Sau lần vỡ bong bóng cách đây bốn năm, bất động sản VN lại đang “thổi” một quả bom khác khi khách hàng tranh nhau tìm mua các dự án mới, còn nhà phát triển có tham vọng xây dựng hai tòa nhà thuộc hàng cao nhất thế giới tại TP.HCM và Hà Nội.
Reuters nhận định tốc độ xoay vòng của thị trường bất động sản Việt Nam đang ở mức đáng sửng sốt - Ảnh: property-report.com |
Reuters nhận định tốc độ xoay vòng của thị trường này đang ở mức đáng sửng sốt. Các giao dịch bất động sản thành công đã tăng gấp đôi so với một năm trước, theo đó các nhà phát triển đã “tống” đi được hơn phân nửa hàng tồn kho, từ mức 6 tỉ USD ở thời khắc đỉnh điểm của khủng hoảng hồi đầu năm 2013.
Tham vọng "chọc trời"
Các nhà phát triển bất động sản ở TP.HCM đang hướng đến mục tiêu xây dựng hai cao ốc thuộc tốp 10 tòa nhà cao nhất thế giới tại Việt Nam.
Dự án Landmark 81 cao 461m đã động thổ hồi cuối tháng trước và tòa nhà Empire City Tower 86 tầng sẽ khởi động vào quý 4 năm nay. Hai cao ốc này sẽ mọc lên như một tuyên bố đầy kiên định về thị trường mới nổi đang phát triển chóng mặt.
Cơ quan nghiên cứu Mỹ JLL xếp hạng TP.HCM là thành phố phát triển nhanh nhất trong số 120 thành phố tham gia chỉ số Momentum Index của hãng.
"Chúng tôi nhìn thấy có rất nhiều nhà đầu tư lẫn nhà phát triển trong và ngoài nước đang cố gắng tìm một chỗ đứng tại đây", giám đốc JLL Việt Nam Stephen Wyatt nhận định.
Có rất nhiều chỗ trống cho sự tăng trưởng, khi giá trị thị trường Việt Nam năm 2014 mới chỉ có 21 tỉ USD, theo Nomura Research Institute, so với Thái Lan 89 tỉ USD và Singapore 241 tỉ USD.
Nguồn gió mới từ khách ngoại
Từ ngày 1-7, Chính phủ đã nới lỏng chính sách đầu tư cho các doanh nghiệp, khách hàng nước ngoài và Việt kiều. Bước đi này nhằm mở cửa thị trường bất động sản và cũng là động thái mới nhất trong kế hoạch cải tổ nhóm ngành này của Việt Nam.
Việc dỡ bỏ bớt rào cản lên người mua nước ngoài đã đem lại kết quả cho thị trường bất động sản. Chẳng hạn, Tập đoàn Vingroup gần đây đã tổ chức hai sự kiện bán hàng các dự án nhắm đến khách ngoại và Việt kiều ở TP.HCM, Hà Nội.
Doanh nghiệp này cho biết đã có 112 căn hộ được đặt chỗ chỉ trong vòng 2 giờ.
Còn theo chủ đầu tư dự án The Eastern (chung cư liên doanh giữa Việt Nam và Quỹ đầu tư bất động sản Hàn Quốc), từ tháng 5 đến tháng 7-2015 có 70% căn hộ bán ra cho khách nước ngoài và các công ty mua nhà cho nhân viên nước ngoài đang làm việc tại khu công nghệ cao - nơi các hãng như Intel, Samsung hoạt động.
Tuy nhiên, nhu cầu cơ bản cũng đến từ tầng lớp trung lưu tại Việt Nam - quốc gia có tốc độ mở rộng nhóm dân số này thuộc hàng nhanh nhất châu Á và sở hữu tốc độ tăng GDP 6,28% trong nửa đầu năm 2015 - nhanh nhất kể từ năm 2008.
Reuters trích dẫn lời ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho biết: "Hiện có khoảng 4,2 triệu người Việt ở hải ngoại và 30.000 nhân sự nước ngoài đang làm việc lâu dài tại Việt Nam. Đó là tiềm năng hứa hẹn một tương lai sáng sủa".
Theo đó, dòng tiền nước ngoài là điều khiến giới "cò" nhà đất thích thú nhất.
Dữ liệu từ Công ty bất động sản CBRE tại Việt Nam cho thấy số căn hộ lên sàn TP.HCM trong nửa đầu năm 2015 đã tăng 174% so với cùng kỳ năm ngoái, còn ở Hà Nội tăng 91%.
Trung bình, một căn hộ cao cấp hiện có giá 1.800 USD/m2 nếu nằm trong khu thương mại phía nam và 1.600 USD/m2 nếu đặt tại thủ đô - gần bằng với mức giá trước khủng hoảng và tăng từ mốc 1.600 USD và 1.450 USD tương ứng của năm 2014.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ