Trong khi đất vùng ven hết đợt "sốt" này đến đợt "nóng" khác thì một số mặt bằng "đất vàng" trong nội đô lại ì ạch, khó khăn trong giao dịch.
Tại phố Giảng Võ, Hà Nội, một căn nhà có 2 mặt tiền được rao bán suốt từ đầu năm 2020 đến nay nhưng chưa "chốt" được khách. Tấm biển rao bán hoặc cho thuê ngắn hạn được treo đã bạc màu. Chủ nhà cho biết anh đang rao 48 tỷ đồng, diện tích sổ đỏ là 105m2.
Một tòa nhà khác trên phố Trần Hưng Đạo được rao với giá hàng trăm tỷ đồng cũng chật vật tìm khách mua. Trên nhiều tuyến phố cổ nơi được coi là "đất vàng", đất "kim cương", kinh doanh sầm uất bậc nhất ở Hà Nội nhưng việc giao dịch lại trở nên ì ạch.
Bà Hoa - chủ một cửa hàng nằm trên phố Kim Mã (Hà Nội) - cho biết: "Trước Covid-19, việc kinh doanh tốt, nhà phố mặt tiền nhiều hộ muốn thuê còn khó. Có thời điểm cửa hàng tôi đang cho thuê rồi vẫn có khách vào hỏi thuê, thậm chí hỏi mua. Nhưng nay treo biển cho thuê từ lâu mà chỉ có người hỏi rồi bỏ đi".
|
Đất vàng "ì ạch", đại gia Hà Nội ôm nhà phố ngao ngán (Ảnh: N.M)
Khi việc cho thuê khó khăn thì một suất nhà đất mặt tiền phố trung tâm có giá vài chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng như trên sẽ vô cùng khó khăn nếu muốn bán. Thông thường, việc cho thuê dễ dàng thì việc bán sẽ có tính thanh khoản tốt hơn.
Một số chủ nhà khi rao bán có kèm theo lựa chọn "cho thuê ngắn hạn", nhưng đa số tâm lý khách hàng khi đi thuê muốn thuê ổn định, lâu dài. Khi chủ nhà có ý định bán thì đa phần khách hàng không muốn thuê nữa vì lo sẽ bị gián đoạn kinh doanh. Với giá trị lên vài chục đến vài trăm tỷ đồng mà "nằm im", dòng tiền bất động không ghi nhận thêm giá trị, các chủ nhà ôm khối "đất vàng" thực sự ngao ngán.
Theo ghi nhận của PV, từ khi Covid-19 xuất hiện vào năm ngoái, khắp nơi treo biển bán, cho thuê mặt bằng. Đến đầu năm nay dịch bệnh tiếp tục bùng phát, số lượng mặt bằng bỏ trống, "ế ẩm" lại xuất hiện nhiều thêm.
Theo thống kê của CBRE, tại khu vực trung tâm, tỷ lệ mặt bằng bán lẻ trống tăng 12,9% so với cùng kỳ, đạt 14,3%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Lĩnh vực bán lẻ là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Tổng doanh thu và tiêu dùng dịch vụ của Việt Nam trong năm 2020 chỉ tăng 2,6%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,8% trong năm 2019.
"Hầu hết khách thuê đều phải trải qua những thử thách trong thời gian khó khăn này, trong đó, nhóm khách thuê chịu nhiều thiệt hại nhất đến mức phải đóng cửa thường là các cửa hàng thời trang, phụ kiện và ăn uống đặt tại tầng cao trong khu vực trung tâm" - chuyên gia CBRE cho hay.
Tại Hà Nội, khắp các con phố "đất vàng", đất "kim cương" như Hàng Bông, Hàng Ngang, Hàng Đào, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Hàng Khay... vẫn tiếp tục đìu hiu vắng vẻ. Nhiều chủ cửa hàng than thở việc kinh doanh khó khăn.
Ngược lại với giao dịch chật vật trong khu nội đô, thị trường đất đai vùng ven sau dịp Tết Nguyên đán đến nay vô cùng nhộn nhịp. Theo thống kê của Hội môi giới bất động sản, giá tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau 1 tháng. Cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng. Thị trường bất động sản xuất hiện những cơn sốt đất khó tin.
DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí