Công tác đấu giá quyền sử dụng đất được coi là cơ hội tạo nguồn vốn đầu tư phát triển xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới cho các huyện ngoại thành Hà Nội. Tuy nhiên, công tác này ở một số địa phương đang vấp phải nhiều "rào cản" cần tháo gỡ...
Một khu đất dịch vụ tại thị trấn Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) đã được đầu tư hạ tầng.
|
Giá khởi điểm cao hơn thị trường
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, chỉ tiêu đấu giá quyền sử dụng đất toàn thành phố năm 2017 là 10.000 tỷ đồng, nhưng tính đến cuối tháng 5-2016, mới thực hiện được 2.063 tỷ đồng, đạt 20,63% kế hoạch năm. Thực tế ở một số địa phương cho thấy, trước hết do thị trường bất động sản còn trầm lắng, trong khi nhiều thửa đất đấu giá nằm ở vị trí không thuận lợi hoặc những lô đất nhỏ lẻ, xen kẹt trong khu dân cư... khó thu hút người tham gia đấu giá. Thậm chí, nhiều khách hàng trúng đấu giá, nhưng không nộp tiền, dẫn đến phải hủy kết quả để tổ chức đấu giá lại. Bên cạnh đó, nhiều dự án chậm được phê duyệt, không bố trí vốn đầu tư kịp thời; giá khởi điểm đã hết hiệu lực, phải trình UBND thành phố phê duyệt lại…
Một nguyên nhân đáng lưu ý là mức giá khởi điểm cao hơn thực tế, khiến cho công tác đấu giá quyền sử dụng đất ở nhiều huyện ngoại thành gặp khó khăn. Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Chi nhánh phát triển quỹ đất Ứng Hòa cho biết: Nếu căn cứ theo bảng giá đất thành phố quy định, một số khu đất có mức giá khởi điểm cao hơn thực tế. Đơn cử, khu đất đấu giá thuộc địa bàn xã Hoa Sơn có đầu tư hạ tầng, mức giá lên tới 14,9 triệu đồng/m2, huyện đề nghị thành phố giảm xuống còn 10 triệu đồng/m2, nhưng kết quả đấu giá cũng chỉ được 1/3 số diện tích. 5 tháng đầu năm 2017, huyện Ứng Hòa tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất được 3 phiên ở các xã Phương Tú, Hòa Nam, Liên Bạt, Phù Lưu, Hoa Sơn và Minh Đức, tổng số tiền nộp ngân sách gần 54,32 tỷ đồng, trong đó chỉ có 2 xã Hòa Nam và Minh Đức đạt 100% diện tích đất đấu giá; các xã còn lại đạt rất thấp (từ 9 đến 32%)...
Tương tự, tại huyện Ba Vì, những dự án đấu giá đất xen kẹt trong khu dân cư, đã nhiều lần thông báo, nhưng không có người tham dự, huyện phải trình UBND thành phố điều chỉnh lại giá khởi điểm. Chẳng hạn, đầu năm 2017, huyện tổ chức đấu giá khu đất xã Châu Sơn nhưng không ai đăng ký; khi điều chỉnh giá khởi điểm xuống còn 805.000 đồng/m2 (giá khởi điểm năm 2014 là 920.000 đồng/m2) mới tổ chức đấu giá thành công... Một vài khu khác trên địa bàn cũng trong tình trạng như vậy.
Ông Hoàng Văn Hùng, Phó Trưởng phòng Tài chính huyện Ba Vì cho biết: Nguồn vốn từ đấu giá quyền sử dụng đất chủ yếu dành cho trả nợ công trình xây dựng cơ bản của các xã, thị trấn đã hoàn thiện từ năm 2016. Huyện đang đề nghị thành phố cho làm hạ tầng các khu đấu giá ở mức độ đơn giản để giá đất không bị đẩy cao… Tính đến hết tháng 5-2017, huyện mới thu được gần 18,62 tỷ đồng tiền trúng đấu giá, trong đó có gần 2,6 tỷ đồng thu nợ từ năm 2016 chuyển sang.
Bất cập trong quy trình
Ngoài các nguyên nhân kể trên, thời gian hoàn thiện thủ tục quá dài cũng làm cho các địa phương chậm thực hiện dự án đấu giá quyền sử dụng đất. Theo ông Đặng Vũ Nhật Thăng, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, khó khăn của thị xã là những thửa đất công nhỏ lẻ, nằm xen kẹt trong khu dân cư, diện tích 50-100m2, nhưng việc hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ thu hồi vẫn phải thực hiện đầy đủ như đối với khu vực có diện tích hơn 5.000m2. Năm 2017, kế hoạch giao là hơn 42 tỷ đồng, nhưng hiện thị xã mới tổ chức đấu giá một phiên, thu được hơn 6 tỷ đồng. Để đạt kế hoạch là vấn đề rất khó vì đa số các dự án hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện quy trình...
Tương tự, tại huyện Mê Linh, trong khi kế hoạch giao năm 2017 là 120 tỷ đồng nhưng đến nay, huyện mới tổ chức đấu giá được 4 phiên với số tiền thu được là 29,5 tỷ đồng. Ông Trần Văn Minh, Giám đốc Chi nhánh phát triển quỹ đất Mê Linh cho biết: "Quy trình thủ tục của dự án đấu giá mất khá nhiều thời gian do phải thực hiện các công đoạn chấp thuận địa điểm, trình chủ trương đầu tư, các đơn vị tư vấn đo đạc bản đồ hiện trạng, xin cấp chỉ giới đường đỏ quy hoạch xây dựng, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật… Hiện tại, huyện còn 26 dự án phải chờ tới kỳ họp HĐND thành phố đầu tháng 7-2017 mới trình được kế hoạch sử dụng đất. Mặt khác, thủ tục ra quyết định thu hồi đất cũng phải sau 90 ngày".
Để công tác đấu giá đất ở các huyện ngoại thành đạt hiệu quả như mong muốn, nhiều địa phương đang đề nghị UBND thành phố ủy quyền cho UBND cấp quận, huyện thẩm định, phê duyệt giá khởi điểm đối với các dự án dưới 5.000m2. Ngoài ra, đối với các dự án đã được phê duyệt quy hoạch, đủ điều kiện đăng ký kế hoạch sử dụng đất, rất cần thành phố cho đăng ký bổ sung kế hoạch sử dụng đất. Mặt khác, các cấp, ngành chức năng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian trong quy trình nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác đấu giá, góp phần tạo nguồn vốn xây dựng nông thôn mới.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới