Rắc rối chuyện đền bù ở Khu kinh tế Dung Quất

Cập nhật 18/02/2008 09:00

69 hộ dân ở hai xã Bình Đông và Bình Thuận thuộc Khu kinh tế (KKT) Dung Quất (Quảng Ngãi) dù đã nhận tiền đền bù, làm nhà ở khu tái định cư Bắc Vạn Tường nhưng lại đồng loạt quay về chốn cũ dựng lều tạm để ở. Vì sao?

Để giải phóng mặt bằng và nhanh chóng bàn giao cho Công ty TNHH Tycoons Worldwide Steel (Đài Loan) thực hiện dự án luyện cán thép tại KKT Dung Quất, năm 2004, tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành khảo sát, lập phương án đền bù và lập thủ tục di dời cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa ở hai xã Bình Đông và Bình Thuận, huyện Bình Sơn.

69 hộ dân ở hai xã nói trên đã nhận tiền đền bù, chuyển đến khu tái định cư Bắc Vạn Tường. Tuy nhiên đến nay, vẫn còn 7 hộ ở thôn Tân Hy, xã Bình Đông không chịu di dời. Sợ ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chấp thuận phương án bổ sung kinh phí cho 7 hộ nói trên.

Ông Phan Hòa, Chủ tịch UBND xã Bình Đông, cho biết cơ chế hỗ trợ thêm cho 7 hộ chưa di dời như nâng mức đền bù cho những nhà xây dựng trái phép từ 20% lên 50%; làm nhà trong vườn từ 50% lên 80%, đất ở 30% (những hộ di dời trước không có - PV).

Phương án bổ sung này đã làm tăng số tiền đền bù cho 7 hộ nói trên hàng trăm triệu đồng. Nếu 69 hộ đã di dời năm 2004 bình quân mỗi hộ chỉ nhận được tiền đền bù từ 100 - 300 triệu đồng thì 7 hộ còn lại, có hộ nhận đến 700 triệu đồng. Chính nguyên nhân này mà các hộ dân đã di dời đến nơi ở mới lũ lượt quay về đất cũ của mình dựng lều tạm để phản ứng cách làm "tiền hậu bất nhất" của chính quyền địa phương.

Một trong số những hộ dân này - ông Nguyễn Văn Hoàng - bức xúc nói: "Sao lại có chuyện đền bù không công bằng như thế, người đi trước lại thiệt hơn người đi sau, trong khi ở cùng một nơi, làm như vậy dân coi sao được".

Một người khác - bà Phạm Thị Lý - cho rằng: "Nếu biết trước kiểu đền bù bất bình đẳng như vầy thì hồi đó chúng tôi nhất quyết không đi. Bây giờ 7 hộ dân kia đền bù theo mức giá nào thì chúng tôi cũng như thế hoặc ngược lại họ phải chấp nhận với giá đền bù như lúc đó". 

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã liên tiếp ban hành 2 công văn với nội dung không chấp nhận việc đòi hỗ trợ giá đối với các hộ dân đã nhận tiền đền bù từ năm 2004 cùng diện đền bù với 7 hộ dân còn lại; kiên quyết xử lý các trường hợp có hành vi cản trở thi công; giải tỏa các lều tạm của các hộ dân quay về đất cũ để đòi thêm tiền đền bù.

"Chính sách đền bù không nhất quán nên việc giải phóng mặt bằng gặp quá nhiều rắc rối. Giá như cứ theo chính sách đền bù chính thức mà làm, nếu có phần hỗ trợ thêm thì mọi người phải như nhau", ông Phan Hòa than thở.

Việc giải phóng mặt bằng cho các dự án lớn ở KKT Dung Quất như Tycoons, Doosan, Polypropylen... đang là vấn đề nan giải ở Quảng Ngãi. Trong số nhiều nguyên nhân, rõ ràng có nguyên nhân do cách đền bù giải tỏa không nhất quán nói trên.

Theo Thanh Niên