Quyết liệt gỡ 2 nút thắt: Hàng tồn kho - nợ xấu

Cập nhật 26/12/2012 08:41

Trong hai ngày 25-26.12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các ngành, các địa phương để bàn về việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội đề ra.
 

Hàng loạt dự án đô thị trên đường Lê Văn Lương kéo dài (Hà Nội) đang hi vọng nhóm giải pháp mới sẽ giải quyết lượng hàng tồn lớn.


Đồng thời cuộc họp cũng lấy ý kiến đóng góp vào hai nghị quyết quan trọng của Chính phủ đó là nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu và nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 để Chính phủ có thể sớm ban hành vào tháng 1.2013.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển KT-XH 2013 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội...

Giảm thuế, hạ lãi suất, giải cứu BĐS

Trình bày dự thảo nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nêu ra những giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp phát triển như: Gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp quý I và 3 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp quý II và quý III năm 2013 cho các DN có quy mô vừa và nhỏ, sử dụng nhiều lao động và các DN hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: Nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội...

Không ban hành chính sách thực hiện việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ theo đầu phương tiện. Giảm lệ phí trước bạ đối với xe ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi theo hướng: Đối với ôtô đăng ký lần đầu: Mức thu chung là 10%, các địa phương được điều chỉnh tăng không quá 50% mức quy định chung; Đối với ôtô đăng ký lần 2 trở đi: Mức thu chung là 2% và thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Giảm 50% tiền thuê đất năm 2013, năm 2014 đối với các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất mà số tiền thuê đất phải nộp theo quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP.

Cho phép các chủ đầu tư dự án đã được Nhà nước giao đất nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ về nộp tiền sử dụng đất do có khó khăn về tài chính được nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng trong thời gian tối đa 24 tháng kể từ ngày có thông báo nộp tiền sử dụng đất của cơ quan thuế... Giảm 50% số thuế giá trị gia tăng đầu ra từ ngày 1 tháng 7 năm 2013 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2014 đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở xã hội.

Tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất tín dụng phù hợp với mức giảm của lạm phát; có biện pháp hỗ trợ và tăng tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Gia hạn thời hạn cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với doanh nghiệp xuất khẩu đến hết ngày 31.12.2013. Ngân hàng Phát triển Việt Nam bổ sung tối đa 10.000 tỉ đồng cho chương trình tín dụng đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề nông thôn.

Về việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng ngoài nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách tín dụng, rút ngắn thời gian thẩm định dự án thì cần có giải pháp cho phép chuyển các dự án nhà ở thương mại sang làm nhà tái định cư, nhà ở xã hội để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua cho các đối tượng chính sách.

Các địa phương chưa có nhiều sáng kiến

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ - chủ trì phiên họp - đã đề nghị các địa phương không báo cáo thành tích mà tập trung góp ý vào dự thảo hai nghị quyết của Chính phủ để Chính phủ hoàn thiện và sớm ban hành thực hiện chung trong cả nước vào tháng 1.2013, thế nhưng phát biểu của các địa phương trong đó có cả những địa phương lớn như Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa... hầu hết vẫn nặng về việc báo cáo thành tích của địa phương hoặc đề nghị Chính phủ, cấp thêm kinh phí, cho cơ chế, chính sách ưu đãi cho địa phương mình mà không đưa ra được nhiều sáng kiến đóng góp cho Chính phủ trong công tác điều hành chung về kinh tế - xã hội đất nước.
 

Riêng tỉnh An Giang đã tồn kho 26 ngàn tấn cá tra khiến cả doanh nghiệp và người nuôi cá điêu đứng.


Vì lẽ đó có thể nói việc đưa ra các giải pháp chung cho KT-XH đất nước vẫn là “Chính phủ nghĩ, Chính phủ làm” mà chưa phát huy được trí tuệ của đội ngũ lãnh đạo các địa phương. Trong số những ý kiến đáng chú ý tại cuộc họp đó là ý kiến của Chủ tịch tỉnh An Giang Vương Bình Thanh. Ông Thanh cho biết, riêng An Giang hiện đang tồn kho 26 ngàn tấn cá tra gây bức xúc lớn cho doanh nghiệp và nông dân, đồng thời Chính phủ cần có chính sách thu mua tạm trữ sớm lúa gạo cho khu vực ĐBSCL vì vụ thu hoạch lúa đông - xuân đang đến rất gần.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh có kế hoạch trình Chính phủ giải quyết ngay. Các ý kiến phát biểu khác đều bày tỏ sự đồng thuận với dự thảo nghị quyết của Chính phủ. Cuối chiều, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh đã thừa ủy quyền của Thủ tướng trả lời các kiến nghị của địa phương. Hôm nay (26.12) Thủ tướng sẽ nghe thêm ý kiến của các ngành và có kết luận về hội nghị.

Lãnh đạo địa phương đề xuất

“Quyết định đầu tư là thẩm quyền của tỉnh, cân đối bố trí vốn cũng là thẩm quyền của tỉnh, chúng tôi chỉ xin Chính phủ cơ chế thôi” - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung đề nghị. Ông Cung giải thích, là một địa phương tập trung lao động cả nước, nên áp lực lên hạ tầng giáo dục, y tế rất lớn, ngân sách bố trí cho an sinh xã hội rất khó khăn. Tỉnh lại chưa có bệnh viện đa khoa hay chuyên khoa xứng tầm. Vì vậy, mong Chính phủ cho cơ chế đặc thù, chẳng hạn phát hành trái phiếu địa phương với quy mô gấp hai lần tổng mức vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hằng năm.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng đề xuất, nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho DN cần kéo dài thêm so với kế hoạch khoảng 1 năm nữa, thậm chí có thể mở rộng đến hết năm 2014. Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cho rằng cần gỡ khó tích cực cho thị trường bất động sản. Bộ ngành nên cụ thể hóa và triển khai ngay các giải pháp giải cứu thị trường ngay trong mùa khô này để tạo cơ sở giải quyết các vấn đề khác. Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Dương Anh Điền cho biết, khó nhất của các DN Hải Phòng là vấn đề bố trí đất và khâu đang vướng là cưỡng chế, thu hồi đất. Vấn đề này tuy được quy định trong luật nhưng chưa cụ thể. Vì vậy, mong Chính phủ hướng dẫn rõ ràng hơn quy trình cưỡng chế thu hồi đất. PV lược ghi



DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động