Quý Tỵ cùng gỡ “cuộn chỉ rối”

Cập nhật 08/02/2013 11:00

Từ cuối năm 2012, nền kinh tế Việt Nam có vẻ đang ấm dần lại. Tuy nhiên, năm 2013, nền kinh tế sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn do những dư chấn để lại từ các năm trước.

7 điểm nóng

Kinh tế 2012 sẽ tiếp tục đối mặt với những điểm nóng đã bùng phát và đối mặt trong năm 2102.

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế chậm lại, các nhân tố kích thích tăng trưởng giảm, hiệu quả đầu tư vẫn thấp, các chính sách tài khóa và tiền tệ chặt chẽ đã hạ nhiệt nhanh lạm phát, đồng thời cũng góp phần làm cho sản xuất, kinh doanh suy giảm. Nhân tố kích thích tăng trưởng kinh tế là sức cầu tiêu dùng nội địa, tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GDP so với năm trước đều giảm và trong những năm tiếp theo chưa có khả năng tăng đáng kể.

Hiệu quả đầu tư, thể hiện ở hệ số ICOR năm 2012 khoảng 8 lần, so với năm 2011 khoảng 7 lần. Như vậy, hiệu quả đầu tư giảm, một trong những nguy cơ tiềm ẩn lạm phát

Thứ hai, thâm hụt ngân sách nhà nước lớn. Thâm hụt NSNN/GDP năm 2012 tăng khoảng 4%, năm 2011 khoảng 2%. Điều này nếu cứ tiếp diễn thì sẽ gây khó khăn cho việc tái cơ cấu nền kinh tế và thay đổi mô hình phát triển kinh tế.

Thứ ba, lạm phát có thể quay trở lại. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng 2012/2011 tăng 9,21% nhưng vẫn lo ngại khả năng tăng giá tiếp tục tái diễn trong năm 2013, đặc biệt giá thực phẩm, giá vàng thế giới tiếp tục tăng kết hợp với chu kỳ tăng giá các tháng cuối năm âm lịch. Lạm phát có "độ trễ", nếu yếu tố tăng trưởng Quí 4 sẽ tách sang năm sau.

Thứ tư, hàng tồn kho vẫn ở mức cao. Tồn kho cáo ở các mặt hàng than, sắt thép, phân bón, xi măng. Đặc biệt, tồn kho ở BĐS trên 40. 000 tỷ đồng. Hàng sản xuất ra không bán được làm hàng loạt DN rơi vào khó khăn, đình trệ sản xuất, thua lỗ, phá sản, dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế và giảm tốc độ tăng trưởng. Theo số liệu của Tổng cục Thuế, trong số nợ thuế của các DN đến Quí 1/2012 đã lên tới 38.000 tỷ đồng, trong đó có gần 5.000 tỷ đồng thuộc các DN giải thể, phá sản, bỏ trốn hoặc mất tích.

Thứ năm, nợ xấu ngân hàng tăng mạnh. Theo báo cáo của Thủ tướng trình QH ngày 14/11/2012, nợ xấu tại thời điểm thanh tra của NHNN là 8,82%/tổng mức tín dụng của nền kinh tế, tương đương khoảng 250.000 tỷ đồng (gần 12 tỷ USD), tương đương 10%GDP. Con số nợ xấu này lớn gấp 11,7 lần con số năm 2001, dù chưa tính đến nợ tồn đọng trong xây dựng cơ bản (dự tính khoảng 90.000 tỷ đồng).


Thứ sáu, thị trường BĐS khó khăn, đóng băng, tồn kho lớn. Theo Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 16.469 căn hộ chung cư, 4.116 nhà thấp tầng, 25.870 m2 nhà văn phòng cho thuê với tổng giá trị hàng tồn kho BĐS khoảng 40.000 tỷ đồng. Nhưng theo số liệu của các tổ chức đầu tư quốc tế như Dragon Capitol thì số căn hộ tồn kho chỉ riêng ở Hà Nội và Tp.HCM là 70.000, giá trị tồn kho tạm tính ở mức 100.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần số liệu của Bộ Xây dựng, chưa kể tới nhà liền kề, biệt thự.

Bảy là, thị trường chứng khoán (TTCK) bất ổn. Nhìn chung trong năm qua, TTCK liên tục giảm điểm, thanh khoản thị trường sụt giảm cùng với khối lượng giao dịch xuống thấp, niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước càng suy giảm. Tình hình này có tác động xấu đến việc huy động vốn của các DN qua TTCK.

Gỡ "cuộn chỉ rối"

Để hạ nhiệt những "tâm nóng" này, năm qua, Chính phủ, Quốc hội đã đưa ra đầy đủ các giải pháp nhưng đấy vẫn chỉ là những giải pháp khái quát. Tuy nhiên, việc dàn trải nguồn lực hòng giải quyết toàn bộ các điểm nóng của nền kinh tế đã nói là việc làm quá sức và khó đạt hiệu quả cao. Vì vậy, theo các chiến lược gia kinh tế, năm nay cần tập trung giải quyết 2 điểm nóng trong số đó là hàng tồn kho và nợ xấu để bắt đầu gỡ được "cuộn chỉ rối".

Đối với những loại hàng tồn cụ thể như sắt thép, xi măng thì chúng ta có thể giải quyết bằng các giải pháp: trước hết, chúng ta phải hạn chế nhập từ nước ngoài, thứ 2 là kích cầu để sử dụng lượng hàng dư thừa này bằng cách làm giao thông nông thôn và làm thủy lợi nông thôn như các loại mương máng thoát nước cho đồng ruộng.

Riêng việc làm giao thông nông thôn và thủy lợi đã giải quyết được lượng xi măng sắt thép rất lớn. Ở đây, Nhà nước và dân cùng làm, nhà nước hỗ trợ nguyên vật liệu, còn dân thì bỏ công sức, hiến đất đai để cùng làm. Ngoài ra, có thể mở rộng ra làm trường học, bệnh viện, trạm xá.

Tuy nhiên, với việc giải quyết tồn đọng BĐS thì vấn đề phức tạp hơn nhiều.

Tồn đọng BĐS là do chúng ta đã không quản chặt trong việc xây dựng, đã bung ra quá nhiều. Nay chỉ còn cách hạn chế việc xây mới các công trình, căn hộ đắt giá, xa xỉ. Còn những cái đã có rồi thì Nhà nước nên mua, và cho các cán bộ công chức không có đủ tiền mua nhà thuê lại. Đối với những căn hộ lớn có thể cải tạo thành nhiều căn hộ nhỏ hơn để bán lại cho những người có tiền với giá phải chăng từ cao cấp đến trung cấp, bình thường như vậy sẽ góp phần giải quyết được lượng tồn kho BĐS hiện có.

Nhưng vấn đề quan trọng nhất ở đây vẫn là giá. Thời gian qua, các nhà đầu tư BĐS đã lãi lắm rồi, số tiền lãi này đã được tích lũy, bây giờ họ phải chịu lỗ để đưa giá về con số thực, để người có thu nhập trung bình hay thấp có thể mua được nhà, còn họ thì giải quyết được lượng hàng tồn.

Các nhà đầu tư nhà ở phải bình đẳng với mọi người không được có những ưu đãi gì đặc biệt, họ cứ xây đi nhưng nhà nước phải thành lập cơ quan để mua lại, còn những ưu đãi về đất đai, thuế khóa.. thì phải thành lập quĩ riêng hẳn ra để hỗ trợ cho người mua nhà, chứ không phải hỗ trợ cho người xây nhà.

Riêng vấn đề nợ xấu, trước hết phải có những đánh giá chính xác nợ xấu là bao nhiêu. Khi đã làm rõ rồi thì tùy theo từng nguyên nhân gây ra nợ xấu, nếu rủi ro là do ngân hàng thì ngân hàng phải dùng trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng để tự xử lý.

Vừa qua, Chính phủ và NHNN đã chính thức có ý kiến không thành lập công ty của Nhà nước nữa và không lấy tiền ngân sách để mua nợ nữa, đó là điều đáng mừng.

Năm 2013, tuy mới đi được 1/10 quãng đường nhưng một loạt tín hiệu đáng phấn khởi đã xuất hiện khi mũi nhọn tiên phong là ngành xuất khẩu của chúng ta, đặc biệt là xuất khẩu nông sản đã thu được những kết quả lớn, vượt 30-40% sản lượng và trị giá cùng kỳ.

Điều này mang lại những dự cảm tốt lành cho nền kinh tế nước nhà trong năm Quý Tỵ!

DiaOcOnline.vn - Theo VEF