Việc ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh bị khởi tố về tội lừa dối khách hàng theo Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015, không khiến dư luận quá bất ngờ. Thậm chí, với nhiều người, việc đại gia này phải vào vòng lao lý chỉ là vấn đề thời gian.
Tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp Mường Thanh ven biển Đà Nẵng.
Bởi lẽ, hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của tập đoàn này đã được lộ diện, nếu không bị xử lý thì sẽ là một dấu hỏi lớn về sự nghiêm minh của pháp luật.
Những sai phạm trải dài từ Bắc vào Nam của Tập đoàn Mường Thanh từng là sự thách thức đối với dư luận. Điển hình là dự án chung cư Đại Thanh - một dự án được cơ quan thanh tra phát hiện chưa có quyết định giao đất, chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt dự án khi nó đã được xây dựng tròn 10 năm.
Tương tự, dự án Mường Thanh tại TP Cần Thơ cũng bị phát hiện chưa có giấy phép xây dựng, chưa có biên bản nghiệm thu công trình, phòng cháy chữa cháy dù công trình đã hoàn thành được 4 năm.
Tại Đà Nẵng, dự án Mường Thanh cũng mọc thêm 104 căn hộ trái phép, công năng của hạng mục vốn được cấp phép để làm phục vụ công cộng bị chuyển đổi thành các căn hộ để bán, bất chấp quyết định xử phạt hành chính và yêu cầu ngừng thi công của thanh tra xây dựng địa phương.
Còn tại Hà Nội, đầu năm 2019, trong danh sách những dự án vi phạm đang được TP Hà Nội xem xét, chuyển sang Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) để làm rõ, có tới 8 dự án liên quan tới Tập đoàn Mường Thanh.
Tập đoàn này cũng rất nhất quán cách “đối phó”: không khắc phục sai phạm và xin hợp thức hóa sai phạm. Điều đáng nói là “chiêu thức” trên đã thành công ở nhiều địa phương, tạo ra một tiền lệ rất xấu trong xử lý vi phạm ở lĩnh vực xây dựng, vi phạm các quy định của Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.
Và phải chăng doanh nghiệp làm dự án chỉ vì tranh thủ được cơ hội, tranh thủ quan hệ theo nhiệm kỳ, chứ không có kế hoạch phát triển doanh nghiệp một cách bền vững.
Với Mường Thanh, câu hỏi lớn nhất đặt ra lúc này là ai bao che, tiếp tay cho tập đoàn này sai phạm trong thời gian dài như vậy? Bởi bằng mắt thường người dân cũng có thể nhìn thấy tại nhiều tòa nhà do Mường Thanh xây dựng có sự “lệch lạc” rất lớn với chuẩn của nhiều tòa nhà tương tự ở khu vực về tầng cao, không gian cây xanh…
Những sai phạm “tày đình” kéo dài suốt nhiều năm nhưng nay mới được phanh phui khi nó để lại hậu quả gần như không thể khắc phục được. Và, nếu có sửa sai thì người chịu thiệt nhất là người mua nhà.
Trong một diễn biến mới nhất, người dân mua nhà tại những dự án sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh ở Hà Nội đã được cấp sổ đỏ lại đang có nguy cơ bị thu hồi. Để người dân phải gánh chịu hậu quả do các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý là việc rất khó chấp nhận.
Nhiều ý kiến cho rằng, ông Lê Thanh Thản đã “coi trời bằng vung” khi sai phạm chồng chất sai phạm. Tuy nhiên, vì sao vị “đại gia điếu cày” này lại dám ngang nhiên như vậy mới là câu hỏi cần có lời giải đáp thỏa đáng.
Để xảy ra sự việc như Mường Thanh, cần xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, chính quyền sở tại vì đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, dẫn đến vi phạm nghiêm trọng kéo dài.
Trong vụ việc này, Thanh tra TP Hà Nội đã từng kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với giám đốc các sở: Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc; chủ tịch UBND các quận: Hoàng Mai, Hà Đông, Hoàng Liệt; chủ tịch UBND các phường: Hoàng Liệt, Kiến Hưng.
Rõ ràng, khi đã xử lý sai phạm của ông Thản, không thể không truy trách nhiệm đến cùng với các cơ quan có trách nhiệm liên quan này. Đồng thời cũng phải bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân.
DiaOcOnline.vn – Theo Đầu tư tài chính