Sau khi đăng bài “Quỹ tiết kiệm nhà ở: Lo ngại tính minh bạch” thông tin về việc dựng xây dựng đề án lập Quỹ tiết kiệm nhà ở của Bộ xây dựng, BBT đã nhận được nhiều phản hồi của độc giả về vấn đề này. Sau đây xin giới thiệu bài viết của ông Trần Xuân Hiền - Phó Tổng giám đốc Cty CP Tập đoàn xây dựng và phát triển nhà (Vicoland).
Việc phân bổ nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ tiết kiệm nhà ở về mỗi địa phương theo tỷ lệ như thế nào cũng là một vấn đề nhiều người quan tâm
|
Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ giải quyết một phần nhu cầu về nhà ở cho người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp, nhưng với điều kiện các cơ quan chức năng phải giải quyết được khá nhiều vướng mắc trước khi hoàn thiện quỹ này để đi vào thực tế.
Cần huy động vốn từ nhiều nguồn
Trước hết, tuy người lao động chỉ nộp 1% lương hàng tháng – số tiền không phải là lớn, nhưng với mức lương cơ bản hiện nay rất thấp cộng với khá nhiều khoản kinh phí bắt buộc phải nộp hàng tháng như Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, kinh phí công Đoàn... cùng với mặt bằng giá cả hàng hóa ngày càng leo thang thì chỉ 1% cũng tạo thêm một áp lực lớn lên vai người lao động. Đó là chưa tính đến việc, theo kinh nghiệm từ các nước khác như Singapore hay Hàn Quốc thì người tham gia đóng góp vào quỹ phải chờ từ 10 – 15 năm mới tới lượt mình được mua một căn hộ. Ngoài ra, còn rất nhiều vấn đề liên quan đến niềm tin của người dân về việc điều hành và phân bổ nguồn vốn nếu Quỹ tiết kiệm nhà ở được ra đời, những nghi ngờ về tính minh bạch trong điều hành Quỹ cũng sẽ là rào cản cho việc tự nguyện tham gia đóng góp của người lao động.
Để đưa Quỹ vào hoạt động, điều đầu tiên là phải xét đến đến nguồn vốn đầu vào cho Quỹ. Đối với những người đã có nhà hay có thu nhập khá, đủ khả năng tiết kiệm để mua nhà thì họ sẽ không có nhu cầu đóng góp hay vay vốn mua nhà từ Quỹ nữa. Điều đó cũng có nghĩa là nguồn đóng góp cho Quỹ sẽ chỉ từ một bộ phận dân cư có thu nhập trung bình thấp, trong khi mức lương của tầng lớp này lại không chiếm ưu thế trong tổng thu nhập toàn dân. Như vậy, để có được nguồn vốn thực sự dồi dào thì tất cả người lao động trên cả nước, bất kể đã có nhà hay chưa và có nhu cầu về nhà ở hay không đều phải nộp Quỹ và xem đây như một hình thức bảo hiểm nhà ở bắt buộc mang tính đóng góp xã hội. Ngoài ra, quỹ tiết kiệm nhà ở không thể chỉ dựa vào khoản tiền của người dân đóng góp vào mà phải có thêm sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua việc đầu tư vốn vào Quỹ, phát hành trái phiếu nhà ở bắt buộc... Và chính Ban điều hành Quỹ cũng phải duy trì hoạt động của Quỹ có hiệu quả để có thể thu hút thêm nguồn vốn từ các tổ chức phi chính phủ khác.
Vấn đề được người dân quan tâm nhất hiện nay là việc sử dụng nguồn vốn của Quỹ sao cho hiệu quả và minh bạch khi đi vào hoạt động. Quỹ sẽ cung cấp vốn mua nhà cho những đối tượng nào, với lãi suất cho vay là bao nhiêu, liệu những người lao động có thu nhập trung bình thấp thật sự có đủ khả năng để tiếp cận nguồn vốn này hay không? Quỹ sẽ phân bổ nguồn vốn ưu đãi về cho mỗi địa phương theo tỷ lệ như thế nào khi mức đóng góp của mỗi tỉnh thành sẽ rất chênh lệch phụ thuộc vào mức độ tập trung dân cư và thu nhập người dân nơi đó...?
Quỹ có đi vào hoạt động thành công hay không phụ thuộc vào việc các cơ quan chức năng sẽ giải quyết những vướng mắc này như thế nào.
Đảm bảo nguồn cung nhà
Thêm một câu hỏi được đặt ra: Cho đến thời điểm hiện tại các chính sách của Chính phủ liên quan đến việc hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho cho các dự án nhà thu nhập thấp hay nhà ở xã hội vẫn chưa được thực hiện tốt, thì nguồn cung nào sẽ phục vụ cho các đối tượng được vay vốn ưu đãi từ Quỹ tiết kiệm nhà ở trong những năm tới. Khi mà theo tính toán của Bộ Xây dựng, đến 2020, VN cần 2,5 tỷ mét vuông nhà ở mới đáp ứng đủ nhu cầu của 96 triệu dân.
Trong khi hiện cả nước mới có khoảng 1,4 tỷ m2 nhà ở, với hơn 70% là do người dân tự xây dựng. Đồng thời theo thống kê tại các khu vực đô thị trên cả nước hiện có khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội, như vậy việc hình thành Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho các đối tượng có nhu cầu tích trữ, vay vốn mua nhà và trả dần là rất quan trọng. Tuy nhiên, song song với đó Chính phủ nên có những cơ chế hỗ trợ cho dự án nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội và phải thực hiện những chính sách này một cách quyết liệt để đạt được hiệu quả thật sự, như vậy người dân và các DN có liên quan trong phân khúc nhà ở xã hội mới nhận được những lợi ích thật sự từ các chủ trương đúng đắn của Chính phủ.
DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN