“80% người mua nhà có nhu cầu về nhà ở xã hội”. Đó là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khi trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị triển khai công tác năm 2015 của ngành xây dựng.
Ảnh Internet
|
Với đất nước hơn 90 triệu dân, trong đó, số người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao và đang ngày một tăng, thì nhu cầu về nhà ở rõ ràng là rất lớn. Tuy nhiên, khi mà giá nhà cao gấp hơn 25 lần thu nhập, theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đầu năm ngoái, thì để có được nơi an cư quả không hề dễ dàng với số đông người lao động. Vì vậy, nhu cầu nhà ở xã hội lớn như đánh giá của người đứng đầu ngành xây dựng là điều dễ hiểu.
Giải quyết nhu cầu này, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, xây dựng khung pháp lý về nhà ở xã hội với sự ra đời của Nghị định 188/2013, sau đó, trong Luật Nhà ở 2014 cũng dành hẳn 1 chương để quy định về phát triển nhà ở xã hội. Hiện Bộ Xây dựng đang đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở 2014.
Với sự quan tâm của Chính phủ, trong những năm qua, nhiều người lao động, cán bộ công chức đã thực hiện được giấc mơ có nhà của mình. Dù vậy, thị trường cũng xuất hiện nghịch lý là thời gian qua, một số dự án nhà ở xã hội bị ế, thậm chí, người mua trả lại nhà. Nhưng đây lại là một nghịch lý có lý.
Theo Nghị định 188, doanh nghiệp phải dành quỹ đất 20% trong các dự án phát triển nhà ở để xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhưng với quan niệm “không môn đăng hộ đối”, các chủ đầu tư tìm cách thoái thác, hoặc hoán đổi nghĩa vụ này, đẩy các dự án nhà ở xã hội ra rất xa trung tâm, gây bất tiện cho việc sinh hoạt và đi lại của cư dân.
Ngoài vị trí, một điểm nữa khiến nhà ở xã hội bị “chê” là giá.
Dù được nhận nhiều ưu đãi, nhưng một số dự án nhà ở xã hội vẫn có mức giá ngang bằng, thậm chí là cao hơn cả nhà ở thương mại.
Vì sao lại có sự vô lý này?
Có lẽ câu trả lời rõ nhất chỉ có các doanh nghiệp chủ đầu tư mới biết. Tuy nhiên, khi tìm hiểu Nghị định 188, cũng như Dự thảo Nghị định mới, người viết thấy, vẫn có khẽ hở để doanh nghiệp lách. Theo quy định, giá bán nhà ở xã hội có vốn đầu tư ngoài ngân sách do chủ đầu tư tự xác định dựa trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc tính đủ các chi phí hợp lý để thu hồi vốn và lợi nhuận định mức. UBND tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định giá bán. Tuy nhiên, vai trò của cơ quản quản lý địa phương với việc xác định giá bán nhà ở xã hội thời gian qua khá mờ nhạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hợp thức hóa nhiều chi phí “không tên”, đẩy giá thành và giá bán lên cao.
Nghịch lý nào cũng sẽ được giải quyết nếu có sự quyết tâm của các thành viên thị trường, giống như nghịch lý vừa thừa cầu, vừa thừa cung cũng của thị trường địa ốc, hiện đang dần được giải quyết.
Để giải quyết nghịch lý trong phát triển nhà xã hội, có nhiều kiến nghị, đề xuất đã đưa ra, trong đó, đáng chú ý là việc hình thành quỹ nhà ở xã hội của Nhà nước, tức Nhà nước tạo lập quỹ nhà ở thông qua hình thức mua lại, triển khai theo hình thức BT, cũng như tạo nguồn vốn để cho vay, phát triển các dự án nhà ở xã hội, chứ không phải là các gói hỗ trợ tín dụng đơn lẻ, nhằm giúp giảm giá bán nhà xã hội xuống thấp hơn nữa, phù hợp với số đông người lao động có thu nhập thấp.
Đây là kiến nghị có lý và khung pháp lý mới dường như đang ủng hộ để thực hiện.
Luật Nhà ở 2014 dù đã bỏ loại hình Ngân hàng Tiết kiệm nhà ở như dự thảo trước đó, nhưng có quy định về nguồn tín dụng cho vay mua nhà ở xã hội từ Ngân hàng Chính sách và Dự thảo Nghị định mới cũng dành hẳn Chương III để quy định về hình thức này.
Thiết nghĩ, nếu Nhà nước tạo lập được quỹ nhà ở xã hội như hướng trên, nhiều người lao động sẽ có nhà ở và khi đó, “trách nhiệm của Nhà nước, trách nhiệm của các cấp ngành, đặc biệt là của ngành xây dựng…” như lời Bộ trưởng Dũng từng tâm sự sẽ nhẹ đi rất nhiều.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản