Quý II/2015: Người Hà Nội được đi đường sắt trên cao

Cập nhật 18/07/2012 08:40

Nếu mọi điều kiện về vốn và giải phóng mặt bằng, quy hoạch… được đảm bảo thì trong quý II/2015, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ đưa vào khai thác, với lưu lượng vận chuyển dự kiến là 1.020.000/người/ngày…

Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông được chính thức khởi công hôm 10/10/2011. Theo ông Trần Văn Lực, Trưởng Ban dự án, Cục đường sắt Việt Nam, dự án đã tiếp nhận toàn bộ mặt bằng 23ha khu Depot vào hồi tháng 1 năm nay và hiện đang triển khai giải phóng mặt bằng 6,8ha đường dẫn vào khu Depot.

Về công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, dự án cũng đã hoàn thành được 5km trên tổng số 13,5km chính tuyến, bao gồm các đoạn tuyến Hào Nam - Hoàng Cầu; Cầu Mới - Vành đai 3; khu vực nút giao vành đai 3; khu vực cầu sông Nhuệ và đoạn tuyến La Khê - Ba La.

Về khảo sát, thiết kế, theo ông Lực, hiện đã hoàn thành toàn bộ công tác khảo sát địa hình và 90% công tác khảo sát địa chất. Hiện đang hoàn thiện để Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội chính thức phê duyệt điều chỉnh, bổ sung cục bộ chỉ giới đường đỏ chính tuyến, quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc 11 nhà ga, trừ ga Cát Linh đang tính toán để kết nối với Trung tâm thương mại.

Về công tác thi công, ông Lục cho biết, đến nay đã hoàn thành 42 trụ cầu và đang tiếp tục thi công 31 trụ khác trên các đoạn tuyến Hào Nam - Hoàng Cầu, La Khê - Ba La và khu vực nút giao Vành Đai III. Dự án cũng bắt đầu thi công Cầu Sông Nhuệ và 29 trụ cầu đoạn Cầu Mới - Vành đai 3; hoàn thành san lấp mặt bằng bước 1 và chuẩn bị triển khai thi công xử lý nền đất yếu trong khu vực Depot.

Tuyến đường sắt 1 ray ở Singapore

Thi công dự án với giá rẻ nhất


Theo Cục Đường sắt Việt Nam, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông Dự án được đầu tư từ nguồn vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Theo đó, tổng mức đầu tư là 8.770 tỷ đồng, tương đương 533 triệu USD, trong đó nguồn vốn vay của Trung Quốc là 419 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam.

Hiện nay, ước tính giá trị thực hiện là 682 tỷ đồng Việt Nam, bằng 8% giá trị Dự án. Tổng số tiền giải ngân đạt 1248 tỷ đồng, bằng 15% giá trị dự án.

Nói về mức giá đầu tư, ông Trần Văn Lục, Trưởng ban quản lý dự án đường sắt - Cục đường sắt Việt Nam cho rằng, so với các dự án khác thì đây là mức giá đầu tư thấp nhất (khoảng 600 tỷ/1km). “Thực tế, tuyến số 3 có mức giá đầu tư lên đến 2000 tỷ/km. Nếu mức giá của tuyến Cát Linh - Hà Đông giữ được như dự tính là 600tỷ/km thì đây sẽ là mức giá rẻ nhất trong việc đầu tư đường sắt trên cao” - ông Lục nói.

Để đạt được tiến độ dự kiến, ngoài các điều kiện về vốn, Cục đường sắt Việt Nam đề nghị UBND quận Hà Đông khẩn trương hoàn thành việc giải phóng mặt bằng trong tháng 8/2012. Đặc biệt, việc di dời nghĩa trang thôn Vân Nội, một vấn đề tồn tại khá phức tạp, cần được hoàn thành trong tháng 11/2012.

Ban quản lý dự án cũng đề nghị UBND quận Đống Đa và Thanh Xuân chuẩn bị đủ quỹ nhà tái định cư; Sở Xây dựng và Ban Quản lý dự án Xây dựng nhà Tái định cư đảm bảo tiến độ di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Tại cuộc họp giao ban báo chí của Thành uỷ Hà Nội chiều 17/7, trả lời câu hỏi của báo chí về tiến độ thực hiện dự án, ông Lục cho biết, mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng phía Tổng thầu Trung Quốc cho biết tối đa cũng chỉ hoàn thành sớm được khoảng 3 tháng so với dự kiến. Theo đó, khoảng đầu tháng 4/2015 sẽ đưa vào sử dụng tuyến đường sắt này nếu các điều kiện về nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, thoả thuận quy hoạch tổng mặt bằng và cấp phép thi công được đảm bảo theo yêu cầu.

Theo ông Lục, dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông xây dựng 13,05km đường sắt trên cao với 12 nhà ga, từ Cát Linh đến Bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông); đường sắt đôi, khổ 1435mm; tốc độ chạy tàu tối đa 80km/h; thời gian tàu chạy từ Cát Linh đến Hà Đông (hoặc ngược lại) là 23,63 phút; lưu lượng vận chuyển tối đa 57.000 người/h, tương đương với 1.020.000 người/ngày.

DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia