Những ngày qua, giới địa ốc liên tiếp đón nhận những phán đoán không mấy tích cực về thị trường BĐS từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Thìn cũng như đầu 2012. Việc BĐS nhiều khả năng được đưa ra khỏi danh mục phi sản xuất vật chất là tín hiệu tích cực cho luồng tiền vận hành vào thị trường. Việc lãi suất cho vay giảm cũng là tín hiệu tích cực cho thị trường BĐS… Tuy nhiên, những tín hiệu này chưa đủ mạnh để tạo thành dòng tiền làm cho thị trường BĐS có thể có những biến động lớn…
Theo TS Trần Kim Chung - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, khó có thể có câu trả lời chính xác từ giờ đến Tết âm lịch Nhâm Thìn thị trường BĐS sẽ diễn biến như thế nào. Bởi lẽ, yếu tố cấu thành nên xu hướng của thị trường này đều đang rất khó đoán và chưa rõ xu thế chủ đạo. Nhận định một cách tổng quan của TS Trần Kim Chung được không ít nhà đầu tư, DN kinh doanh BĐS thừa nhận. Tuy nhiên, đại bộ phận ông chủ địa ốc đang nuôi “niềm tin và hy vọng” đến mức tuyệt đối: Năm 2012, địa ốc chắc chắn lấy lại sự thịnh vượng và phát triển bền vững sau một thời gian dài âm ỉ trồi sụt như trong năm 2011.
Một chủ DN kinh doanh mặt bằng bán lẻ nổi tiếng tại khu vực Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, thời điểm gần hết tháng 10 đã cận kề, quý IV trong năm tài khóa coi như chấm dứt với những cố gắng duy trì cuối cùng của giới địa ốc. Hầu hết các chủ đầu tư, nhà đầu tư đang hướng tập trung sức lực vào quý II/2012. Quý I là thời gian lễ hội (sau Tết nguyên đán) nên hoạt động thị trường không thể thu hút 100% sự quan tâm của mọi đối tượng. Trong quý II/2012, những dự án đã bị nằm gần 1 năm nay sẽ bị “buộc” phải đẩy ra thị trường cùng với những dự án kéo dài trong 2 - 3 năm nay chắc chắn được giải quyết dứt điểm. Ví dụ như Vân Canh đã được bán gần hết, chỉ còn phần hoàn thiện (cơ sở hạ tầng đã xong). Yếu tố thị trường (tài chính BĐS, lãi suất ngân hàng, yếu tố thị trường toàn cầu) khó khăn trong năm nay, đã buộc nhiều chủ đầu tư thỏa thuận với các nhà đầu tư và khách hàng mua giãn tiến độ đóng tiền nhằm duy trì sức tồn tại trong bối cảnh bi quan chung của cả thị trường. Tuy nhiên, điều đó cũng không thể giữ quá lâu. Bởi tiền của các dự án nằm hầu hết tại ngân hàng, nếu giữ quá lâu thì coi như DN tự cắt lãi của mình, làm để Ngân hàng hưởng lợi từ lãi suất. Chính lẽ đó, những DN dù mạnh vốn đến đâu cũng sẽ cùng chia sẻ với giới địa ốc giải quyết trọn vẹn bài toán “hàng tồn kho, vốn dồn cục” đeo đẳng suốt năm nay.
Lãi suất cho vay đang giảm là một tín hiệu đáng mừng, nhưng chưa phải tín hiệu tốt cho thị trường BĐS. Tại thời điểm này, người đầu tư có thể chấp nhận được để vay. Tuy nhiên, mức giải ngân dành cho BĐS không đáng kể. Điều an ủi duy nhất là các ngân hàng nhẹ tay với các gói đáo hạn cuối năm của DN. Giám đốc DVLand ví von dí dỏm cách làm của ngân hàng trong việc cho vay như Bá Kiến cho vay nặng lãi trong truyện ngắn Chí Phèo của cố nhà văn Nam Cao: “Lẽ ra tao lấy đủ số tiền 1 tỷ đồng mày nợ tao, nhưng thôi tao vứt lại cho mày 300 triệu đồng vì thấy mày… khổ quá!” (PV dẫn lời). Xét cho cùng, cách làm này của ngân hàng hoàn toàn dễ hiểu và nên làm, bởi phải hiểu DN cần gì để tồn tại trong khó khăn, dù siết chặt nhưng để một mức vừa đủ cho DN xoay xở và vượt qua giai đoạn gian khó. Cách làm của ngân hàng xem ra rất khắc nghiệt, tuy nhiên vẫn sẽ còn nhiều DN tồn tại tốt và chứng minh được tầm của mình. Dòng tiền trong BĐS đang là nguồn sống chính của hệ thống ngân hàng và ngược lại. Thế nên, thời điểm này là rất nhạy cảm. DN nào sống sót qua thời điểm này là rất mạnh và chiếm được lòng tin của khách hàng cũng như chủ đầu tư. Nhiều sàn đã phải giải thể vì điều này do không thể ăn vào thịt mình trong thời gian dài. Trả lương cho nhân viên, triển khai phân khúc khác, chuyển hàng, gom hàng… là những điều khiến rất nhiều DN BĐS (không thể chủ động về vốn) phải đau đầu và… phá sản.
Năm 2012, chắc chắn BĐS sẽ “lên”! Nếu điều đó không xảy ra, không riêng các Cty, DN BĐS chết mà sẽ kéo theo cả hệ thống thị trường. Trước khi xảy ra viễn cảnh bi quan đó, ngân hàng sẽ lên tiếng đầu tiên vì không thể thanh lý toàn bộ BĐS cầm cố. Ngân hàng sẽ kiến nghị Nhà nước “cứu” BĐS (cũng là cứu ngân hàng) vì thuế BĐS cũng đóng vai trò quan trọng đáng kể trong ngân sách Nhà nước. Giống như trên một con tàu, bánh lái cũng quan trọng ngang với cánh buồm. Nếu thiếu một yếu tố, tổng thể sẽ bị phá vỡ và mất cân bằng hoàn toàn. Năm 2011 là một phép thử hay đối với các DN có năng lực thực sự. Nhưng không thể thử mãi, vì DN không thể ăn mãi vào thịt mình. BĐS là một yếu tố đóng góp chủ chốt cho toàn bộ nền kinh tế của nước ta nên chắc chắn Nhà nước cũng như các cơ quan hữu quan sẽ tìm mọi cách cứu và đưa BĐS trở lại mức chấp nhận được (và phát triển mạnh trong dài hạn). Quý II/2012 sẽ bắt đầu cho cuộc hồi sinh toàn bộ thị trường BĐS - giới địa ốc đang tin chắc như vậy.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng