Nhà hỏng nhưng không thể sửa chữa vì đất đã quy hoạch dự án. |
Việc quy hoạch “treo” kéo dài hiện nay sẽ có nhiều lý do để biện bạch, nhưng vẫn không thể nói khác chủ trương của Chính phủ về giải quyết nhanh tình trạng “treo” hiện nay. Vậy mà, tiến trình tổ chức thực hiện vẫn chưa rốt ráo ở nhiều địa phương...
Khổ đời vì... cái sự “treo”
Tỉnh Long An đã từng chuẩn bị triển khai đến 18 sân golf, sau giảm xuống còn 3 sân, rồi còn 1 sân (ở xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc). Thế nhưng, số phận các dự án (DA) sân golf đến nay vẫn chưa ngã ngũ, người dân sống trong vùng DA phải chịu cảnh... treo.
Những ngày này, người dân ấp 1 và ấp 4 xã Mỹ Phú - huyện Thủ Thừa đang chuẩn bị thu hoạch vụ lúa hè thu. Đây là vùng đất tốt nhất tỉnh Long An, trồng được 3 vụ lúa năng suất cao. Thế nhưng, nhà cửa, đường sá ở đây lại thuộc loại xập xệ nhất vùng. Không phải vì người dân không có tiền, mà vì không được phép sửa sang, xây dựng, vì đây là vùng quy hoạch (QH) DA sân golf.
Tại huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, 8 hộ dân tại ấp 4, thị trấn Hộ Phòng (dân gian thường gọi khu bến đá) từ năm 1976 đến nay khổ sở vì QH. Tại khu vực này người dân phải chịu 4 lần QH.
Đầu tiên là QH khu phân khu quản lý đường bộ, QH làm bãi đá thuộc Cty 719, QH mở rộng nhà máy chế biến thuỷ sản và gần đây là quy hoạch chợ tôm ĐBSCL. Điều đáng nói là tất cả 4 lần QH đều chưa thực hiện được.
Đối với chợ tôm ĐBSCL, ngày 26.3.2009 Bộ NNPTNT chính thức có văn bản không xây dựng chợ tôm ĐBSCL tại Bạc Liêu nữa. Dù vậy UBND huyện Giá Rai vẫn thông báo cho các hộ dân di dời để lấy đất làm chợ tôm.
Nhà ông Nguyễn Văn Sử đầu năm 2009 bị lốc xoáy sập, cất lại nhà trên nền cũ đã bị lực lượng của huyện Giá Rai tiến hành cưỡng chế. Lý do: Cất nhà trái phép trên phần đất QH xây dựng chợ tôm.
Treo cùng dự án
Dự án khu hành chính tỉnh Bạc Liêu, phường 3, thị xã Bạc Liêu được QH từ năm 1997. Theo QH nơi đây xây dựng các cơ quan hành chính của tỉnh, quảng trường, nhà khách... Đến thời điểm này quảng trường, các trục đường chính vẫn chưa xây dựng. Đường Hùng Vương, được QH 42m, là một trong con đường lớn nhất tỉnh Bạc Liêu đến nay vẫn là con hẻm. Tại kỳ họp HĐND tỉnh Bạc Liêu gần đây, UBND tỉnh cho rằng sở dĩ có chuyện QH lâu như vậy là do tỉnh không có tiền bồi hoàn và chưa bố trí được nền tái định cư.
Xã Mỹ Yên (huyện Bến Lức, L.A) nằm cặp QL1A, giáp ranh TPHCM. Đất ở đây thuộc loại “đắc địa”, các nhà đầu tư đua nhau nhảy vào “xí phần”, để rồi... treo. DA khu dân cư (KDC) ấp 1 có diện tích 16ha, do Cty TNHH Thép Long An đầu tư từ năm 2001, đến nay vẫn chưa đền bù giải tỏa xong. DA KDC – Thương mại – Dịch vụ ấp 2 rộng 43ha của Cty TNHH Hải Dương khởi động từ năm 2001; năm 2005 giao lại cho Cty TNHH Vạn Nguyên, rồi cho Cty TNHH Thép Long An; năm 2008 trả về cho Trung tâm phát triển quỹ đất.
DA KDC ấp 7 rộng 11ha của Cty Thịnh Toàn được triển khai năm 2002; năm 2006, tỉnh giao lại cho Tổng Công ty giao thông 6;... và nhiều DA treo khác. Bà con xã Mỹ Yên nằm trong vùng các DA treo cũng không thể sửa chữa nhà cửa.
Theo thống kê của UBND xã Mỹ Yên, có gần 600 hộ dân trong xã bị ảnh hưởng bởi QH treo. Do thời gian QH kéo dài, nhiều gia đình đã dựng vợ gả chồng cho con vẫn không được tách hộ. Nhiều năm nay, hộ ông Nguyễn Văn Khanh ở ấp 4 có đến... 4 cặp vợ chồng sinh sống (vợ chồng ông và 3 người con trai) vì ông không thể chia đất cất nhà cho các con.
Nếu vẫn triển khai DA, thì hãy khẩn trương tiến hành đền bù, giải tỏa, tái định cư... Còn nếu dừng, thì cũng cần có câu trả lời dứt khoát để người dân cất lại nhà, làm lại đường và ổn định cuộc sống.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động