Nhiều quận cố gắng giữ bằng được các quy hoạch giao thông, nếu hủy bỏ đường dự phóng thì phải xem xét, mở đường khác thay thế. Đến thời điểm này, các thông tin về việc xóa quy hoạch “treo” vẫn thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Giữ y các quy hoạch công ích
Mặc dù đã gần hết quý 1-2008 nhưng nhiều quận, huyện vẫn chưa thống kê được hết số lượng quy hoạch “treo”. Phần lớn các nơi đều đang tập trung giải quyết các quy hoạch thuộc “điểm nóng” trên địa bàn.
Tại quận Thủ Đức, hai quy hoạch “treo” đình đám nhất là quy hoạch ga Bình Triệu (hơn 40 ha) tại phường Hiệp Bình Chánh và quy hoạch cây xanh tại phường Tam Phú. Mặc dù thời gian “treo” đã quá lâu, đụng chạm nhiều đến quyền lợi của người dân nhưng quận Thủ Đức đang dự kiến giữ lại hai quy hoạch này.
Đối với quy hoạch ga Bình Triệu, không còn cách nào khác ngoài việc giữ nguyên vì cả quận và TP đã nhiều lần xin phép Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh nhưng bộ này chưa phản hồi. Đối với khu cây xanh phường Tam Phú, chính quận muốn duy trì để bảo đảm diện tích cây xanh của quận.
Trong đợt điều chỉnh này, nhiều khả năng số quy hoạch “treo” được xóa bỏ tại quận Thủ Đức chiếm tỷ lệ không đáng kể. Chủ yếu quận chỉ điều chỉnh quy hoạch ở những khu dân cư nhỏ từ “khu dân cư mới” thành “khu dân cư hiện hữu, chỉnh trang”.
Quy hoạch 1/2000 mà UBND quận 5 vừa phê duyệt cũng giữ lại tất cả những quy hoạch giao thông. Ông Lê Văn Pha - Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 5 cho biết: “Xuất phát từ tình hình giao thông phức tạp trên địa bàn, quận nhận thấy việc mở rộng đường cũ và làm thêm đường mới là rất cần thiết. Vì vậy, quận quyết định giữ cho bằng được các quy hoạch giao thông, rồi sau đó lên kế hoạch thực hiện.
Ngoài ra, quận cũng điều chỉnh một số khu quy hoạch từ chỗ phải giải tỏa, di dời dân chuyển thành khu dân cư hiện hữu. Cụ thể như khu dân cư tại phường 2 (hai bên đường Phan Văn Trị dự phóng), quận cho phép người dân được ở lại để chỉnh trang đô thị thay vì phải di dời, giải tỏa để xây dựng chung cư cao tầng. Song tùy tình hình trật tự và tốc độ phát triển xã hội của khu vực, có thể quận sẽ thay đổi nội dung quy hoạch này trong thời gian tới.
Đợt này, nhiều khả năng quận 8 sẽ xóa được nhiều khu quy hoạch “treo”. Ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Chủ tịch UBND quận 8 cho biết theo quy hoạch dự kiến mới, quận sẽ có nhiều khu nhà cao tầng, nhiều khu công viên cây xanh ở hai bên bờ các kênh để phục vụ việc tái định cư của 16.000 căn hộ ở ven kênh rạch.
Từ chỗ sẽ bù đắp được nhiều diện tích cây xanh, quận sẽ bỏ hẳn một số khu quy hoạch cây xanh đã “treo” lâu năm. Kế tiếp, để giành đất cho khu dân cư hiện hữu, quy hoạch trường học ở phường 4 sẽ được dời sang một công viên tại phường 5.
Chỉ xóa hẳn nếu có cái khác thay
Trước đây, việc lập quy hoạch xây dựng luôn dựa vào các quy chuẩn chung (chẳng hạn phải có bao nhiêu cây xanh trên đầu người...). Điều này thực sự khó khăn đối với những quận nội thành đất chật, người đông. Nhiều quận phải cố gắng “khoét lõm” trong khu dân cư để có đủ đất dành cho cây xanh dù biết rõ mười mươi nhà nước không thể bỏ tiền tỷ để di dời một khu dân cư.
Tuy nhận ra những khiếm khuyết, bất ổn của quy hoạch cũ nhưng các quận, huyện đã không thể xóa “treo” vì có nhiều rắc rối kéo theo. Trước khi có Nghị định 93 năm 2001, việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 thuộc thẩm quyền của Sở Quy hoạch-Kiến trúc.
UBND quận, huyện chỉ được góp ý chứ không được quyết định quy hoạch. Trong nhiều trường hợp, ý tưởng quy hoạch của Sở có độ chênh rất lớn so với thực tế và khả năng tài chính của các quận, huyện. Vì lẽ này mà nhiều quy hoạch vốn bị “treo” đã tiếp tục “treo” vì không thể nào thực hiện.
Nay thẩm quyền thiết lập, điều chỉnh quy hoạch chi tiết đã được phân cấp cho các quận, huyện và người dân được quyền góp ý cho quy hoạch của địa phương. Tuy nhiên, việc điều chỉnh chỗ này, hủy bỏ chỗ kia liệu có cảm tính?
Trong lần điều chỉnh này, các quận đã cố gắng bám sát thực tế và các dự báo về phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội để các quy hoạch được khả thi. Các tiêu chí xóa “treo” được thống nhất như sau: Giữ bằng được quỹ đất giao thông, nếu hủy bỏ quy hoạch đường dự phóng thì phải xem xét, mở đường khác thay thế.
Những công trình công cộng (trường học, công viên...) cũng sẽ được giữ lại ở chỗ cũ hoặc thay thế bằng những nơi khác thích hợp hơn. Đối với các quy hoạch khu dân cư, tùy số dân ít hay nhiều mà giữ lại hoặc sẽ mạnh dạn hủy bỏ để đỡ gây xáo trộn.
Công khai quy hoạch để dân đỡ thiệt
Theo Nghị định 181 ngày 29-10-2004 của Chính phủ, trừ những quy hoạch có mục đích công ích, những quy hoạch còn lại sẽ được hủy bỏ hoặc điều chỉnh nếu sau ba năm không được thực hiện.
Theo Chỉ thị 30 ngày 24-12-2003 của UBND TP.HCM, tại những khu vực có quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt mà chưa có quyết định thu hồi đất, người dân vẫn được cấp “giấy đỏ”, được sửa chữa nhà nhưng không làm thay đổi quy mô, kết cấu công trình. Tuy nhiên, họ không được xây dựng mới, xây dựng kiên cố và tăng thêm tầng cao; không được chuyển mục đích sử dụng đất và phải bảo đảm để nguyên trạng thửa đất.
Đáng lưu ý, ngoài những quy hoạch khu dân cư nhỏ lẻ, những quy hoạch còn lại đều mang tính định hướng lâu dài và cần được tính toán thực hiện trong vòng mười, hai mươi năm... Ông Pha đề xuất: “Để bảo đảm quyền lợi của người dân, ngoài việc bồi thường đất theo giá thị trường khi triển khai quy hoạch, nhà nước nên cho phép người dân thực hiện đầy đủ các quyền về sử dụng đất, sở hữu nhà...
Đồng thời, nhà nước sẽ công bố rõ quy hoạch này sẽ thực hiện vào năm nào, quy hoạch kia sẽ thu hồi đất lúc nào..., giúp người dân dễ tính toán thiệt hơn trong việc xây dựng nhà cửa, công trình trên đất”.
Còn lại là việc công khai quy hoạch. Cũng để người dân không bị thiệt, vào mỗi lần điều chỉnh quy hoạch, các quận phải có trách nhiệm công khai quy hoạch mới. Quận Gò Vấp làm tốt công việc này thông qua việc công khai các đồ án quy hoạch được duyệt tại UBND các phường và niêm yết quy hoạch tại trụ sở UBND quận. UBND quận 5 cũng đang công bố quy hoạch chi tiết 1/2000 mới...