TP.HCM có nhiều khu vực quy hoạch treo 15-20 năm như bán đảo Thanh Đa, khu đô thị cảng Hiệp Phước, khu đô thị Tây Bắc Củ Chi…
Bây giờ Thanh Đa như thế nào?
ĐB Trần Hải Yến nêu thực tế quy hoạch là để phát triển và người dân khu vực ngoại thành rất phấn khởi trước chủ trương của TP là xây dựng một số khu đô thị tạo động lực phát triển các huyện ngoại thành, trong đó có khu đô thị cảng Hiệp Phước. Theo đó, từ năm 2007 xã Hiệp Phước được quy hoạch khu đô thị cảng với 3.800 ha và được chia thành ba khu chức năng.
Thứ nhất là khu công nghiệp đã đưa vào hoạt động. Thứ hai là khu cảng đang trong giai đoạn bồi thường giải phóng mặt bằng. Và cái khó khăn, bức xúc nhất hiện nay là quy hoạch dân cư đô thị cảng với 1.354 ha. Dù quy hoạch hơn 15 năm rồi nhưng chưa biết đến bao giờ triển khai thực hiện quy hoạch và tại đây các quyền lợi của người dân bị hạn chế như không được tách thửa, không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
“Vậy các sở, ngành liên quan cho biết việc quy hoạch khu đô thị dân cư cảng Hiệp Phước đến khi nào thực hiện và lộ trình thực hiện như thế nào. Trong thời gian chờ đợi triển khai thực hiện quy hoạch thì quyền lợi của người dân được giải quyết ra sao” - bà Yến hỏi.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng đặt câu hỏi nhiều dự án treo đã hơn 20 năm nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. Đơn cử là dự án treo bán đảo Thanh Đa. “Xin hỏi bây giờ Thanh Đa như thế nào? Ở nhiệm kỳ trước, khi đến dự họp ở đây, người dân nói đã một vòng đời người rồi, có nghĩa là từ khi mới sinh đến giờ đã 25 tuổi, lấy chồng, lấy vợ, có con rồi mà vẫn còn quy hoạch. Đường giao thông xuống cấp không sửa, không làm. Hay ở khu đô thị Tây Bắc Củ Chi. Đời sống người dân bị ảnh hưởng như thế phải giải quyết như thế nào?” - bà Tâm hỏi và đề nghị UBND TP trả lời vấn đề này.
Đại biểu Trần Hải Yến cho biết quy hoạch treo làm quyền lợi của người dân bị hạn chế. Ảnh: TÁ LÂM |
Lý do “đường mới xong đã hỏng”
Tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm (quận Bình Tân) cho rằng hiện nay hàng loạt công trình giao thông mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp trầm trọng. Điển hình là đường Trần Văn Giàu, đường dẫn cao tốc TP.HCM-Trung Lương, đường Nguyễn Hữu Thọ. “Vậy nguyên nhân do đâu? Liệu có hay không việc rút ruột công trình trong thi công?” - bà Trâm đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường thừa nhận có tình trạng trên. Lý giải nguyên nhân, ông Cường cho rằng đây là những tuyến đường mới nhưng được xây dựng trên nền đất yếu. Mặt khác, ngay từ đầu những đường này không được thảm nhựa mà chỉ láng nhựa. “Khi khai thác, lưu lượng giao thông tăng cao thì đường lún” - ông Cường nói và cho biết thêm các công trình thoát nước không đồng bộ gây ngập úng cũng dẫn đến hỏng đường.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến đường hỏng đó là những tuyến đường không được sử dụng cũng đứng trước nguy cơ hư hỏng cao. “Đường Trần Văn Giàu được thiết kế để kết nối với cầu nhưng do giải phóng mặt bằng chậm nên đoạn đường này không được lưu thông. Đường không lưu thông, nhựa không nổi lên dẫn đến hỏng đường” - ông Cường nói.
Còn về chuyện có rút ruột công trình hay không, ông Cường khẳng định chưa phát hiện được.