Tại hội thảo “Công tác quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp và chính sách pháp luật về sử dụng đất trong tình hình hiện nay” do Văn phòng Quốc hội phối hợp với bộ Tài nguyên và môi trường tổ chức, bộ này cho biết, trong bảy năm qua (2001 - 2007), trên 500.000ha đất nông nghiệp đã thu hồi chuyển sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt đất nông nghiệp bị thu hồi chuyển sang mục đích đô thị hoá và công nghiệp hoá luôn tăng năm sau hơn năm trước.
Năm 2007, diện tích đất trồng lúa của cả nước đã giảm 125.000ha.
Ông Nguyễn Hữu Nhơn, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết tại Đồng Tháp, tình hình quy hoạch “treo” còn khá phổ biến, có những dự án kéo dài 5 - 7 năm không thực hiện... dẫn đến đời sống của người dân trong nhiều khu quy hoạch chưa được đảm bảo.
Ông Trần Văn Kiệt, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cho rằng một số nơi không cần đất nông nghiệp, hoặc sản xuất không hiệu quả cần được chuyển mục đích, thì không được quy hoạch.
Còn đất sản xuất nông nghiệp tốt, thì lại quy hoạch chuyển mục đích, không phải để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; cũng không phải mở rộng đô thị, mà quy hoạch để làm sân golf, dẫn đến hệ quả hàng vạn nông dân mất đất sản xuất, đời sống khó khăn phải đi tha phương cầu thực, thậm chí đây là một trong những nguyên nhân làm cho tình hình mất an ninh trật tự, tệ nạn xã hội tăng lên.
Điều đáng chú ý là tại Cà Mau đã quy hoạch xong ba khu công nghiệp (KCN) lớn, đó là KCN Khánh An, Hoà Trung và Năm Căn với tổng diện tích trên 1.000ha đất nông nghiệp.
Thế nhưng, đến nay, chỉ có KCN Khánh An được vài nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, còn lại hai KCN Hòa Trung và Năm Căn vẫn là đất hoang.
Nguyên nhân chính là do cơ sở hạ tầng thấp kém, chi phí vận chuyển cao, không có cảng biển. Theo các nhà quản lý kinh tế, việc Cà Mau hình thành cùng lúc nhiều KCN trong thời gian qua là không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên đất đai, trong khi trong tỉnh còn nhiều hộ dân thiếu đất sản xuất.
Đối với Cà Mau, ngoài KCN khí-điện-đạm, chỉ cần thêm KCN Khánh An là vừa.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị