Một công ty có chức năng kinh doanh BĐS cho biết, mới đây công ty có đầu tư dự án chung cư, khi bán nhà, khách hàng yêu cầu phải ra công chứng, nhưng phòng công chứng lại đưa ra điều kiện phải giao dịch qua sàn (theo Luật Kinh doanh BĐS) thì họ mới thực hiện. Công ty tìm đến Sở Kế hoạch và Đầu tư để đăng ký mở sàn giao dịch thì cơ quan này từ chối với lý do chỉ cấp phép mở trung tâm giao dịch bất động sản, không cấp phép mở sàn. Nhưng hai tên gọi này có gì khác nhau?
Trên đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn bởi những quy định trong luật hoặc văn bản hướng dẫn không rõ ràng,khiến cơ quan thi hành luật cũng như đối tượng thuộc diện điều chỉnh trong luật không biết thực hiện thế nào cho đúng.
Luật Kinh doanh BĐS mặc dù có hiệu lực từ ngày 1/1/2007 nhưng mãi tới ngày 15/10/2007 mới có Nghị định 153/NĐ - CP hướng dẫn luật này. Hậu quả là có hàng trăm doanh nghiệp không thể đăng ký kinh doanh ngành nghề trên. Nhiều doanh nghiệp đã phải đi đường vòng bằng cách mua lại các doanh nghiệp nhỏ (hoạt động cầm chừng) có chức năng kinh doanh BĐS (đã đăng ký từ trước) với chi phí hàng trăm triệu đồng. Mục đích duy nhất chỉ để lấy đăng ký kinh doanh có ngành nghề.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm được doanh nghiệp loại này để mua. Nhiều doanh nghiệp sau khi chờ đợi mãi không có văn bản hướng dẫn nên đã “đánh liều” tiến hành các hoạt động kinh doanh BĐS (mặc dù biết rằng có nhiều rủi ro). Họ vẫn bỏ tiền đầu tư, liên doanh, liên kết, góp vốn vào dự án trong khi chức năng không có. Thực tế đã có tranh chấp xảy ra và việc bị hủy hợp đồng do doanh nghiệp không có chức năng kinh doanh ngành nghề BĐS khá nhiều.
Trong cuộc đối thoại của doanh nghiệp và cơ quan thuế tại TP. HCM, doanh nghiệp than phiền chính sách thuế thay đổi liên tục khiến họ không có thời gian chuẩn bị nên bị động, lúng túng trong việc áp dụng, tình trạng chính sách mới ra đời mà doanh nghiệp phải chờ đợi quá lâu mới có các văn bản hướng dẫn thực hiện làm mất rất nhiều thời gian hoàn tất thủ tục và cũng tạo cơ hội cho tệ nhũng nhiễu.
Ông Deepak Khana, cựu giám đốc quốc gia tập đoàn tài chính quốc tế VN đã từng than phiền: “Thuế tại VN là chế độ khuyến khích phức tạp nhất thế giới”. Vậy nhưng trả lời cho câu hỏi vì sao những chính sách mới không được cập nhật trên website của Tổng cục thuế/Bộ Tài chính, câu trả lời của ngành thuế lại đơn giản chỉ là có một số văn bản đặc thù với một số trường hợp doanh nghiệp cá biệt thì Tổng cục và cơ quan thuế địa phương không thể cập nhật trên trang web chung của Tổng cục thuế để tránh cho các doanh nghiệp khác áp dụng sai lệch.
Một trường hợp khác là quy định của Luật Doanh nghiệp yêu cầu đối tác nước ngoài mua cổ phiếu tại doanh nghiệp VN sẽ phải đăng ký tại các Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhưng do không có hướng dẫn rõ ràng nên các cơ quan thực hiện đăng ký doanh nghiệp ngần ngại đăng ký cổ phần do đối tác nước ngoài nắm giữ tại các công ty trong nước. Không đăng ký thì phạm luật mà để đăng ký được doanh nghiệp đi lại không biết bao nhiêu lần, chi phí thời gian, tiền bạc là không nhỏ.
Hay đơn cử như Luật Doanh nghiệp có quy định mức vốn điều lệ tối thiểu cho một số ngành nghề kinh doanh, nhưng hiện nay vẫn chưa có bất cứ hướng dẫn nào về quy trình xác minh hoặc cơ quan có năng lực xác minh vốn điều lệ.
Kể ra (dù không hết) những vướng mắc trên để thấy, dù môi trường kinh doanh của VN được cải thiện tốt hơn rất nhiều nhưng khung pháp lý cho hoạt động của các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự đầy đủ, minh bạch đang là những chướng ngại không nhỏ tới nhà đầu tư. Quy trình ban hành văn bản luật cũng đã ghi rõ, ban soạn thảo cần lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, nhóm đối tượng thuộc diện điều chỉnh của văn bản nhưng trong nhiều trường hợp, việc này chỉ được coi như hình thức để hoàn thành thủ tục khiến những ý kiến xác đáng nhất bị bỏ qua.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp VN 2007, một trong những khuyến nghị của doanh nghiệp là Nhà nước cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, cần rút kinh nghiệm trong việc ban hành luật, trong quá trình dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua, Chính phủ cần giao cho cơ quan có trách nhiệm dự thảo cả văn bản hướng dẫn, để ngay sau khi luật được Quốc hội thông qua, thì văn bản hướng dẫn cũng được ban hành... Tránh tình trạng Luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư, thông tư chờ văn bản hướng dẫn và đối tượng chịu điều chỉnh lâm vào tình trạng “quy hoạch treo”!