Không gian đô thị hai bờ sông Hồng sẽ được quy hoạch lại. Ảnh: Tạ Hiền. |
Ngày 6.7, Thành uỷ Hà Nội đã bàn về chủ trương dự thảo báo cáo về tình hình triển khai lập quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội.
Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, đây là dự án có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với thủ đô Hà Nội, mà có ý nghĩa đối với cả nước.
37,5% số dân sẵn sàng di chuyển
Về vấn đề được đông đảo người dân Hà Nội quan tâm hiện nay là lộ trình thực hiện tiếp theo của dự án, ông Tô Anh Tuấn - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc - cho biết, dự kiến, TP sẽ thảo luận và ký thỏa thuận chính thức với TP.Seoul về tiếp tục hợp tác sau khi lập quy hoạch cơ bản để thực hiện giai đoạn II của dự án.
Giai đoạn này sẽ tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện quy hoạch để trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt với sự tham gia đóng góp tài chính của doanh nghiệp Hàn Quốc. TP cũng sẽ tổ chức báo cáo, lấy ý kiến các bộ, ngành chức năng, các hội nghề nghiệp, cơ quan liên quan về dự án và tiến hành thí nghiệm để có thêm cơ sở khẳng định phương án thoát lũ sông Hồng đảm bảo an toàn.
Cũng trong giai đoạn II, sau khi báo cáo Thành ủy, HĐND, UBND TP, Ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng thủ đô, quy hoạch sông Hồng sẽ được hoàn chỉnh và trình Hội đồng Thẩm định quốc gia. Sau khi tiếp thu, điều chỉnh theo ý kiến của Hội đồng Thẩm định quốc gia, quy hoạch sông Hồng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội thông qua (nếu các quy định hiện hành yêu cầu).
Thành phố đề xuất Thủ tướng phê duyệt về nguyên tắc những nội dung chính của quy hoạch, đồng thời ủy quyền cho bộ chuyên ngành và Hà Nội phê duyệt nội dung cụ thể. Thành phố sẽ công bố công khai quy hoạch sau khi được duyệt theo quy định.
Liên quan tới ý kiến "Hà Nội đã mở rộng, vậy dự án có mở rộng quy mô nghiên cứu vì sông Hồng qua Hà Nội giờ đã tăng lên hàng trăm kilômét", ông Tô Anh Tuấn cho biết, TP đề nghị được giữ nguyên phạm vi đã xác lập (40km) nghĩa là chỉ trong Hà Nội trước khi mở rộng.
"Việc quy hoạch toàn bộ tuyến sông Đà - sông Hồng tiếp giáp và chảy qua Hà Nội với chiều dài 180km sẽ được giải quyết trong một dự án khác" - ông Tô Anh Tuấn nói.
Về công tác di dân, tái định cư, ông Tô Anh Tuấn cho biết, di dời, giải tỏa để đảm bảo tuyến thoát lũ và an toàn đê điều là việc làm theo yêu cầu và đúng pháp luật. Kết quả thăm dò ý kiến cho thấy, có 37,5% số người trả lời câu hỏi sẵn sàng di chuyển khi thực hiện dự án và 52,8% cho biết việc di chuyển phụ thuộc vào chính sách đền bù.
170.000 người liên quan tới tái định cư
Theo phương án nghiên cứu đề xuất, phạm vi nghiên cứu của quy hoạch là khu vực dọc hai bên sông Hồng (trong địa giới của Hà Nội cũ) có chiều dài 40km, liên quan tới tái định cư khoảng 170.000 người (khoảng 39.100 hộ dân). Kinh phí ước tính sơ bộ ban đầu để thực hiện dự án khoảng 7,099 tỉ USD bao gồm các chi phí để chỉnh trị sông, xây dựng công trình, GPMB...
Theo Thành uỷ Hà Nội, đây là dự án "lập quy hoạch cơ bản" chưa phải là quy hoạch chi tiết nên chưa xác định được các dự án đầu tư cụ thể và các dự án đầu tư ưu tiên. Tuy vậy, theo nghiên cứu và đề xuất của dự án, toàn bộ khu vực sông Hồng tại Hà Nội được chia làm 4 khu và được triển khai thực hiện theo trình tự từ thượng nguồn về hạ nguồn, từ khu 1 đến khu 4 (Thượng Cát xuống Hoàng Mai).
Trong tất cả các khu quy hoạch chi tiết ngành được lập và phê duyệt theo trình tự ưu tiên: Quy hoạch phòng, chống lũ - quy hoạch đê điều - quy hoạch sử dụng đất - quy hoạch xây dựng. Trên cơ sở đó, các dự án đầu tư và đầu tư ưu tiên sẽ được xác lập làm cơ sở để triển khai thực hiện.
Theo quy hoạch, sẽ xây dựng phát triển đô thị mới hai bên sông Hồng trên các khu đất tạo mới do điều chỉnh đê. Trong phát triển đô thị sẽ chú trọng cảnh quan khu vực hồ Tây và trục không gian hồ Tây - Cổ Loa, phát triển mới sẽ hài hoà với các công trình di tích lịch sử văn hoá, làng nghề... nhằm phát huy giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể. Xây dựng các công trình nhà ở ưu tiên phục vụ tái định cư ngay trong phạm vi dự án để ổn định cuộc sống của dân cư.
37,8% số người dân đồng ý toàn bộ dự án
Sau 12 tháng triển lãm Quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng - đoạn qua Hà Nội, đã có 1.359/18.000 người tới xem tham gia trả lời phiếu thăm dò ý kiến. Thống kê cho thấy, tuyệt đại đa số người trả lời phiếu là người Hà Nội, với 53,2% ở trong khu vực dự án. Kết quả, có 37,8% số người trả lời phiếu đồng ý toàn bộ dự án; 30,5% đồng ý hầu hết thành phần dự án và 27% chỉ đồng ý một phần dự án; 4,6% không đồng ý triển khai dự án.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động