Quy hoạch sân bay và quy hoạch đô thị

Cập nhật 17/11/2017 09:36

Cùng với chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, sân bay Tân Sơn Nhất là một cái tên, một biểu tượng của Sài Gòn - TPHCM. Không chỉ là bộ mặt tân tiến của đô thành, Tân Sơn Nhất còn mang đầy tiềm năng để hợp tác và thúc đẩy các vùng phụ cận trở thành một trung tâm kinh tế phồn vinh.


Sân bay Tân Sơn Nhất là một biểu tượng của Sài Gòn - TPHCM. Ảnh: Uyên Viễn

Là sân bay ở châu Á được xây dựng khá sớm từ đầu những năm 1930, ba mươi năm sau Tân Sơn Nhất trở thành sân bay nhộn nhịp nhất Đông Nam Á với hệ thống đường băng kép lớn nhất khu vực. Đó là nhờ một quy hoạch có tầm nhìn trăm năm cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Bốn mươi năm vừa qua, tiếc thay, chúng ta chứng kiến một sự suy thoái về vai trò, tầm quan trọng của Tân Sơn Nhất trong mối tương quan với các sân bay trong khu vực. Trong khi tìm hiểu về nguyên nhân, tôi đồng cảm với kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, rằng “quy hoạch sân bay đã không được kết hợp với quy hoạch thành phố”.

Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, sân bay bị thu nhỏ dần. Các vùng đất lân cận sân bay như Gò Vấp, Tân Bình không được quy hoạch phù hợp với điều kiện và chức năng của vùng đất quanh sân bay, mà ngược lại, bị cắt bớt đi làm đất ở đô thị. Tân Sơn Nhất, từ một sân bay rộng rãi, có đủ không gian chung quanh để phát triển, đã bị mất khoảng 40% diện tích và bị bó lại chật chội giữa một vùng dân cư đông đúc khó tìm đường phát triển.

Thực sự, từ những năm 1989-1990, một số người đã nhìn thấy trước viễn cảnh một Tân Sơn Nhất bị thu hẹp lại. Ông Vũ Quốc Thúc sống tại Paris (Pháp), người có ảnh hưởng lớn đối với kế hoạch tái thiết kinh tế hậu chiến tại miền Nam, là một trong những người đó.

Bob Anderson, một nhà thầu từng làm việc trong sân bay Tân Sơn Nhất trước kia, năm 1988 trở lại Việt Nam trong vai trò lãnh đạo xây dựng nhà máy cho DuPont châu Á - Thái Bình Dương, đã lặng lẽ ngắm sân bay. Hôm sau, chúng tôi đưa ông đi một vòng bên ngoài sân bay.

“Sân bay nghèo quá phải không?”

“Nghèo thì có sao? Tới lúc nước giàu thì nó cũng giàu! Nhưng mà, bó bí nó như thế này, làm sao nó sống được?”.

Là chuyên gia xây cất các công trình trong sân bay, đã làm việc trong hàng chục sân bay ở Mỹ và Trung Đông, kiến thức chung về Việt Nam khá vững và kiến thức chuyên môn về sân bay của ông đã chỉ cho chúng tôi thấy Tân Sơn Nhất là sân bay rất có tiềm năng của Đông Nam Á, và cả châu Á.

“Tân Sơn Nhất có vị trí trung tâm các thành phố lớn Đông Nam Á. Xung quanh nó rộng, đủ để mở rộng hơn hai lần. Nó gần thành phố”, ông nói.

Bob giải thích thêm: “Người ta phải làm sân bay xa thành phố lớn vì trung tâm đông đúc. Chiến tranh hết rồi, Sài Gòn còn vắng vẻ, mình có thể mở thành phố ra các hướng và chừa một hướng làm hướng thở cho sân bay. Miễn hướng cất cánh và hạ cánh không làm phiền dân cư thì sân bay gần thành phố có lợi thế lớn lắm. Tôi cá với anh rằng đó không chỉ là sân bay quan trọng, mà còn là trung tâm kinh tế, dịch vụ, giải trí nhộn nhịp và giàu có. Rất ít thành phố trên thế giới có điều kiện như Sài Gòn. Nếu biết cách làm, vùng đất chung quanh Tân Sơn Nhất sẽ cạnh tranh với quận 1, quận 3”.

Lúc đó một phần đất của sân bay Tân Sơn Nhất đã bị lấy đi, nhưng chưa trầm trọng như bây giờ và còn dễ sửa chữa. Những năm sau thống nhất, đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh và còn quá nghèo, quy hoạch có tầm nhìn quá ngắn hạn thì cũng hiểu được phần nào. Nhưng 10 năm sau, đến năm 1986, khi nền kinh tế quốc gia đã có hướng ra, mà sự quy hoạch vẫn thiếu tầm xa như vậy thì đáng tiếc vô cùng!

Trước kia, nghe Bob nói tôi buồn. Bây giờ, nghe kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhắc lại, càng buồn tiếc hơn. Quy hoạch có thể phát triển hay giết chết một vùng đất tiềm năng. Phải chăng Tân Sơn Nhất là nạn nhân của một cách quy hoạch? Nếu 30 hay 20 năm trước, các vùng đất của Gò Vấp, Tân Bình có liên quan hay có ảnh hưởng tới sân bay Tân Sơn Nhất được quy hoạch khác và sân bay này vẫn giữ được diện tích của nó, thì bây giờ TPHCM có vướng vào “vấn nạn” Tân Sơn Nhất hay không?

Nói về Tân Sơn Nhất, tôi có một thắc mắc thật lòng: vài chục năm sau thống nhất, Tân Sơn Nhất có nên được quy hoạch là sân bay chủ yếu phục vụ mục đích dân sự hay vẫn là một sân bay với tỷ trọng quân sự như hiện nay? Những vùng đất tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu có thể đảm đương trách nhiệm quân sự để cho Tân Sơn Nhất phát triển dân sự phồn vinh, góp phần đưa TPHCM, và theo đó là miền Nam, thành nơi giàu đẹp hơn hiện nay không? Đất nước giàu đẹp cũng góp phần quan trọng vào công cuộc quốc phòng.

Bước ra ngoài lĩnh vực sân bay, các quy hoạch khác như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch về kinh tế, giáo dục, y tế... quy hoạch nào giúp thúc đẩy và quy hoạch nào kìm hãm sự phát triển?

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG