Quy hoạch... khô khốc!

Cập nhật 27/03/2008 14:00

Tính tới thời điểm này,  người  dân 12 quận nội thành mới chỉ có khoảng 230ha đất  dành cho công viên cây xanh trên tổng số 600km2 diện tích đất nội thành. Kể từ khi UBND TP và Sở Quy hoạch kiến trúc chủ trương giao cho UBND các quận, huyện tự điều chỉnh quy hoạch theo tình hình KTXH của từng địa phương thì nhiều diện tích đất dự định dành cho công viên đã biến mất, thay vào đó là các dự án khu dân cư, trung tâm thương mại... Theo quy hoạch được xây dựng từ năm 1998 thì đến năm 2010, TP sẽ nâng số diện tích cây xanh lên 930ha nhưng bây giờ thì kế hoạch ấy đã là chuyện... không thể thực hiện.

Tiếp xúc với Báo giới, ông Trần Chí Dũng - Phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.Hồ Chí Minh - cũng phải thừa nhận một thực tế đó là, từ khi mở rộng phân cấp cho các quận, huyện tự điều chỉnh quy hoạch thì nhiều diện tích cây xanh đã biến mất, hoặc phải thu hẹp, buộc Sở phải lưu ý các địa phương cần giảm mật độ xây dựng, chừa đất để xây dựng mảng xanh, tận dụng những khu vực như hành lang bảo vệ kênh rạch, dải phân cách, vỉa hè khu dân cư để tạo những vệt xanh. Nhưng trên thực tế, việc các nhà đầu tư sau khi nhận đất có tuân thủ nghiêm những quy định trong xây dựng, tạo mảng xanh hay không thì Sở Quy hoạch kiến trúc lại không thể quản lý. Việc này, theo ông Dũng thì đòi hỏi chính quyền địa phương phải quản lý chặt chẽ mục tiêu của từng dự án, lập kế hoạch, kinh phí để tổ chức thực hiện.

Nếu so với kế hoạch xây dựng công viên được phê duyệt từ năm 1999 thì chỉ riêng địa bàn Q3, đến nay đã có nhiều khu đất dành cho công viên bị điều chỉnh thành khu dân cư. Trong đó quy hoạch đường trục Bắc - Nam lộ giới 16m và các công viên cây xanh hai trục đường này đã được điều chỉnh thành khu dân cư phát triển theo hiện trạng. Đồng thời về lâu dài quận dự kiến sẽ phân lô để kêu gọi nhà đầu tư xây dựng những khu nhà cao tầng.

Tương tự, vừa qua UBND Q6 cũng đã đề xuất thu hẹp 4 khu công viên và đang được Sở Quy hoạch kiến trúc thẩm định. Đó là các khu công viên cây xanh dọc theo đường Lê Quang Sung - Bến Phú Lâm thuộc P6, P9; khu công viên cây xanh tại hẻm 231 Bình Tiên và 165 Văn Thân trên địa bàn P8; khu công viên cây xanh tại hẻm 260 Bà Hom và cư xá Phú Lâm B thuộc P13. Một công viên khác tại hẻm 335 Hùng Vương, P12Q6 cũng chung số phận bị cắt xén để thành lập các khu dân cư chỉnh trang.

Trên địa bàn Q.Thủ Đức, phần lớn quy hoạch được điều chỉnh theo hướng tăng diện tích dân cư, giảm diện tích công cộng. Trong đó quy hoạch hồ điều tiết trên địa bàn P. Hiệp Bình Chánh, Linh Đông bị cắt khoảng 140ha đất để xây dựng một khu dân cư liên phường. Gần đó, khu cây xanh, công viên thể dục thể thao P. Hiệp Bình Chánh cũng được kiến nghị điều chỉnh thành khu dân cư... Khoảng 100ha trong tổng số 250ha đất quy hoạch khu công viên cây xanh P. Thạnh Xuân, Thới An cũng bị thu hẹp lại dành đất cho khu dân cư. Khu công viên P6Q8 là một mảng cây xanh cách ly giữa KCN Bình Đăng với các khu dân cư lân cận nhưng hiện nay lấy lý do KCN Bình Đăng là KCN sạch nên UBNDQ8 cũng đã đề nghị với UBNDTP chấp thuận tạm ngưng thực hiện dự án và điều chỉnh lại quy mô.



Xây dựng hết đất, thiếu khoảng không
 gian công cộng tại các cao ốc, chung
cư trên địa bàn Q4.

Có thể thấy, cách xóa bỏ quy hoạch nhiều công viên, hồ điều tiết của các quận, huyện như hiện nay có thể gây ra nhiều hậu quả khó có thể lường trước. Thời gian qua, việc đầu tư xây dựng của TP đang đi ngược lại chủ trương phát triển mạnh các khu đô thị vệ tinh để chia sẻ áp lực với khu trung tâm.

Trong khi ở Thủ Thiêm, Nhà Bè, Bình Chánh mới chỉ thấy lác đác vài tòa nhà có độ cao khoảng 10 - 16 tầng thì sự phát triển của hàng loạt các cao ốc trong khu trung tâm Q1, Q3 đã khiến cho hệ thống giao thông, môi trường đô thị khu trung tâm xuất hiện nhiều biểu hiện xấu do quy mô dân số, quy mô sản xuất và các dịch vụ phục vụ đô thị ngày càng tăng.

Trên thực tế, nhiều chung cư cao tầng trên đường Hoàng Diệu (Q4) được phép xây hết đất, không chừa một mét vuông nào để trồng cây xanh đang khiến cho cảnh quan tại các khu dân cư này trở nên ngột ngạt. Các cao ốc như Lancaster, Trung tâm thương mại hàng hải Gemadept, Centek Tower, Sailing Tower... trong tương lai có khả năng khiến cho các con đường như Lê Thánh Tôn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai (Q1) bị biến thành... đường hẻm do lượng người và phương tiện giao thông sẽ gia tăng đột biến. Bởi lẽ, theo tính toán của một chuyên gia thì chỉ riêng cao ốc Gemadept với diện tích sàn 15.000m2 sẽ thu hút khoảng 4.000 người tập trung tại đây để làm việc. Chỉ việc đó đã có thể làm cho nhiều nút giao thông xung quanh nó bị tê liệt vào giờ cao điểm.

Điều gì sẽ xảy ra nếu như 20 cao ốc được xây dựng trong cái ô phố có diện tích khoảng 7,5km2, được giới hạn bởi các con đường là Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Thánh Tám - Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng? Thực tế hiện nay, việc xây dựng hàng loạt nhà cao tầng, trung tâm thương mại một cách ồ ạt đang đặt ra một bài toán khó đối với các nhà môi trường bởi không gian công cộng tại TP vốn đã ít và đơn điệu nay lại càng trở nên chật chội hơn.

Có thể thấy, đi tìm không gian sống cho khu đô thị trong các quận nội thành đang là một bài toán nan giải nhưng những giải pháp mang tính định hướng cho quá trình đô thị hóa bằng cách ưu tiên hình thành các khu đô thị mới, hiện đại đồng bộ tương tự như khu đô thị Phú Mỹ Hưng ở các quận, huyện xung quanh TP vẫn chưa được coi trọng. Thiết nghĩ, trong thời gian tới chính quyền TP nên hạn chế cấp phép xây dựng các cao ốc trong các khu vực vốn đã bị nén chặt như trung tâm Q1, Q3 . Đồng thời vẫn nên coi trọng việc phát triển các công viên, hồ điều tiết ở những khu vực này. Tránh tình trạng không gian sống của hàng chục triệu người dân nội thành bị đè nén bởi những khối bê-tông khổng lồ, vô cảm

Theo Công An TP.HCM