Quy hoạch HN: Sẽ có nhiều việc phải làm

Cập nhật 02/05/2008 11:00

Thời gian qua, chiến lược phát triển kinh tế xã hội Thủ đô đã được xây dựng và thực hiện trong mối quan hệ hữu cơ với quy hoạch xây dựng, phát triển không gian đô thị. Tuy nhiên, thực tế cũng đã chỉ ra những vấn đề bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện, nguyên nhân do quỹ đất hạn hẹp.

TP Hà Nội đã phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhiều lần cho phép chuyển đổi chức năng sử dụng đất dự trữ, đất nông nghiệp trong địa giới hành chính Hà Nội sang phát triển đô thị. Việc mở rộng địa giới hành chính sẽ có những tác động không nhỏ và cũng là cơ hội, điều kiện để điều chỉnh, định hướng quy hoạch cho phù hợp, bảo đảm được tính bền vững của đô thị xếp hạng đặc biệt. Quy hoạch Hà Nội sẽ có nhiều việc phải làm.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về kết quả kiểm tra rà soát các đồ án quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư xây dựng trong phạm vi ranh giới TP Hà Nội liên quan đến mở rộng địa giới.

Điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998, Nghị Quyết 15/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001-2010 và Pháp lệnh thủ đô Hà Nội đã xác định thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước, đầu não chính trị hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, có nhiều vấn đề bất cập như chưa hình thành được trung tâm hành chính quốc gia. Trụ sở các bộ, ngành trung ương còn phân tán rải rác trong khu vực nội thành.

Ngoài khu ngoại giao đoàn cũ trên địa bàn quận Ba Đình và phân tán trong các quận nội thành cũ, quy hoạch chung 108 đã xác định khu ngoại giao đoàn mới tại Xuân Đỉnh với quy mô khoảng 60ha nhưng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu…

Hơn 40 trường đại học, cao đẳng tập trung tại Thủ đô trong điều kiện ranh giới hành chính hạn hẹp đã gây nên bức xúc về giao thông, nhà ở, môi trường, hạ tầng xã hội và kỹ thuật. Trong khuôn khổ ranh giới hành chính cũ, khu dãn các trường đại học đã được xác định tại Tây Mỗ, ranh giới giáp với tỉnh Hà Tây. Khi địa giới hành chính được mở rộng cần có sự xem xét rà soát lại để bố trí hợp lý, đảm bảo quy mô và phù hợp với quy hoạch Vùng Thủ đô. Hệ thống các trường đào tạo dậy nghề không nhất thiết đặt ở trung tâm TP mà cần phân bố lại. Tại thủ đô chỉ giữ lại các viện nghiên cứu đầu ngành, các viện hàn lâm khoa học phù hợp với lợi thế nguồn nhân lực chất xám của Thủ đô.

Trong 921 km2 của Hà Nội hiện nay đã hình thành 5 khu công nghiệp tập trung và khoảng 20 cụm công nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp nhỏ lẻ phân tán trong khu vực nội thành. Chiếm một tỷ lệ đất đai lớn nhưng hiệu quả kinh tế không cao, nguy cơ ô nhiễm môi trường là rất lớn, cần phải đưa các nhà máy sản xuất này ra ngoài, chỉ giữ lại các ngành công nghệ cao có chọn lọc.

Các cơ sở sản xuất sau khi di chuyển sẽ ưu tiên giải quyết nhu cầu mất cân đối về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cho TP trung tâm, phát triển các loại hình dịch vụ, công cộng đa dạng đáp ứng nhu cầu mới của Thủ đô. Không tiếp tục phát triển loại hình công nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích chuyển đổi sang hướng kỹ thuật cao, đồng thời khôi phục các làng nghề tập trung theo hướng kết hợp du lịch và đảm bảo môi trường để phát triển bền vững.

Các bệnh viện lớn hiện tập trung tại Thủ đô gây nên tình trạng quá tải về hạ tầng đô thị cũng cần được xem xét để di chuyển ra bên ngoài theo hướng gắn kết nhu cầu chữa bệnh với nghỉ dưỡng, du lịch, giải trí chất lượng cao. Có thể di chuyển theo hướng tây - Ba Vì, Suối Hai, Đồng Mô, Chí Linh, Tam Đảo, Cúc Phương… để giảm chất tải lên TP trung tâm.

Với mục tiêu là trung tâm lớn về văn hóa, Hà Nội mở rộng sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để hình thành và kết nối các khu vực đặc trung về di tích, lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống gắn kết với các danh lam thắng cảnh đặc trung của Thủ đô, gắn Hà Nội và Hà Tây trong vùng mở rộng để hình thành được trung tâm lớn về văn hóa của Thủ đô…

Về mô hình tổ chức không gian chung, Hà Nội được xác định hình thành trên cơ sở kết quả nghiên cứu Vùng Thủ đô. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra khi mở rộng địa giới là xác định phạm vi và quy mô phát triển ổn định cho TP trung tâm, tránh hình thành siêu đô thị theo hướng mô hình "bạch tuộc".

Qua rà soát các quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư đang triển khai nghiên cứu trên địa bàn giáp ranh với các tỉnh trong phạm vi mở rộng địa giới Thủ đô, HN có tổng số 88 dự án, trong đó đã triển khai 20 dự án, 26 dự án đã được duyệt, 42 dự án đang làm thủ tục.


Theo Kinh Tế Đô Thị