Thành phố Hà Nội đang đề xuất giãn các khu công nghiệp (CN), trường học, bệnh viện lớn, dành quỹ đất thích hợp cho giao thông. Nếu không, Hà Nội sẽ mãi loay hoay với các giải pháp đối phó với sự quá tải, chắp vá, thiếu đồng bộ...
Quy mô phù hợp...
Số liệu tổng hợp của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho thấy, hơn 40 trường đại học, cao đẳng tập trung tại Thủ đô trong điều kiện ranh giới hành chính hạn hẹp đã gây bức xúc về giao thông, nhà ở, môi trường, hạ tầng xã hội và kỹ thuật. Trong khuôn khổ ranh giới hành chính cũ, Hà Nội đề xuất xây dựng cụm các trường đại học tại Tây Mỗ. Tuy nhiên, khi địa giới hành chính được mở rộng, thành phố đã đề nghị tạm dừng dự án này để xem xét, rà soát, bố trí lại nhằm bảo đảm quy mô phù hợp hơn.
Ngoài ra, hệ thống các trường đào tạo nghề cũng không nhất thiết đặt ở trung tâm thành phố mà cần phân bố lại. Tại Hà Nội chỉ giữ lại các viện nghiên cứu đầu ngành, các viện khoa học phù hợp với yêu cầu phát triển, sử dụng nguồn chất xám của Thủ đô.
Trong số 5 KCN tập trung và khoảng 20 cụm KCN vừa và nhỏ, KCN nhỏ lẻ phân tán, thành phố đề nghị đưa các nhà máy sản xuất ra ngoài, chỉ giữ lại các ngành công nghệ cao. Thực tế, các KCN chiếm một tỷ lệ đất đai lớn, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, nguy cơ ô nhiễm môi trường lại rất lớn. Sau khi di chuyển các cơ sở sản xuất, sẽ dành đất ưu tiên khắc phục tình trạng mất cân đối về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cho thành phố trung tâm. Đối với các làng nghề, thành phố sẽ khôi phục theo hướng kết hợp du lịch và bảo đảm môi trường để phát triển bền vững.
Các bệnh viện lớn hiện tập trung tại Hà Nội cũng gây nên tình trạng quá tải về hạ tầng đô thị, nên cần được xem xét để di chuyển ra bên ngoài theo hướng gắn kết nhu cầu chữa bệnh với nghỉ dưỡng, du lịch, giải trí chất lượng cao. Có thể di chuyển theo hướng Tây: Ba Vì, Suối Hai, Đồng Mô, Chí Linh, Tam Đảo, Cúc Phương... để giảm tải cho thành phố trung tâm.
Theo báo cáo mới đây của UBND TP Hà Nội gửi Bộ Xây dựng về kết quả kiểm tra, rà soát các đồ án quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư xây dựng trong phạm vi ranh giới Hà Nội liên quan đến mở rộng địa giới, thì các trung tâm hành chính quốc gia chưa được hình thành. Trụ sở các bộ, ngành TƯ còn phân tán rải rác trong khu vực nội thành. Khu Ngoại giao đoàn cũ trên địa bàn quận Ba Đình và phân tán trong các quận nội thành cũ. Khu Ngoại giao đoàn mới được xác định có quy mô khoảng 60 ha trên địa bàn xã Xuân Đỉnh cũng chưa đáp ứng được nhu cầu.
Quy hoạch thành phố mở
Trong khi mức trung bình quỹ đất dành cho giao thông đô thị ở các nước phát triển là 20-25%, thì ở 7 quận nội thành Hà Nội (trừ Long Biên và Hoàng Mai) tỷ lệ trên là 6,18%. Điều đó dẫn đến tình trạng quá tải phương tiện, ùn tắc giao thông không thể kiểm soát. Có chuyên gia nhận xét rằng, không thể tưởng tượng nổi đến bây giờ người ta vẫn loay hoay tìm cách cắt xén vỉa hè để mở rộng đường cho phương tiện, chẳng khác nào sửa một cái xe ô tô 4 chỗ thành 12 chỗ.
Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức cho biết, việc tổ chức vận tải công cộng ở các thành phố hiện rất khó khăn do mặt cắt ngang đường nói chung là hẹp. Trong quy hoạch đô thị, chưa có một chiến lược định hướng rõ rệt. Việc lồng ghép các quy hoạch chưa tốt, chưa có tính nhất quán, đồng bộ trong quá trình triển khai quy hoạch. Nguyên nhân chính là chưa có quy hoạch sử dụng đất một cách chi tiết, đầy đủ ở cả cấp độ TƯ và địa phương... Vì vậy, ông Ngô Thịnh Đức cho rằng, định hướng phát triển giao thông đô thị hướng tới mục tiêu phát triển bền vững là vô cùng cần thiết. Điều này không chỉ vạch ra tương lai phát triển riêng của hạ tầng giao thông mà còn là nền móng định hướng phát triển chung cho kinh tế-xã hội (KT-XH).
Nguyên tắc cơ bản cần tuân thủ của quy hoạch phát triển giao thông đô thị là cần được xây dựng trên cơ sở quy hoạch chung về phát triển không gian đô thị. Trong đó, giao thông đô thị cần được quy hoạch theo quan điểm “thành phố mở”, nối liền các đô thị vệ tinh, các khu CN tập trung, cảng biển, sân bay và gắn kết chặt chẽ với các tỉnh trong khu vực để hỗ trợ phát triển và khai thác tốt nhất thế mạnh KT-XH tổng hợp của toàn vùng.
Những việc cần sớm giải quyết là tập trung quy hoạch sử dụng đất hợp lý, trong đó cần dành đất xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đô thị. Đặc biệt, ở Hà Nội cần dành tỷ lệ bình quân 20-25% đất đô thị cho giao thông; vận tải khách công cộng bảo đảm đạt tỷ lệ 30-50% nhu cầu đi lại vào năm 2020. Không chỉ tính đến việc cải tạo các tuyến đường nội đô, giải pháp quan trọng là ưu tiên xây dựng trục các đường vành đai và các đường hướng tâm.
Các tuyến đường này sẽ giúp phân luồng từ xa để giải tỏa áp lực giao thông cho thành phố, đồng thời tạo nên “bộ khung cơ sở” giúp cho việc hình thành, phát triển mạng lưới đường thứ cấp của các quận, huyện, đường nối vào các khu CN phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn.
Như vậy công tác quy hoạch, từ tổng thể đến chi tiết phải được nghiên cứu thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, cho xứng tầm vóc mới.