Quy hoạch Hà Nội - bức tranh tổng quan định hướng đầu tư BĐS

Cập nhật 11/09/2011 10:45

“Quy hoạch Hà Nội - Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản” là chủ đề hội thảo do Hội Quy hoạch Đô thị Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam, Hội truyền thông thành phố Hà Nội, CLB BĐS Hà Nội và Công ty cổ phần Megalink phối hợp tổ chức ngày 10/9 tại Thủ đô.


Ngày cao điểm nhất có khoảng 8.000 lượt người đến tham quan Quy hoạch chung Hà Nội tại Cung Quy hoạch quốc gia

Sau khi Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 26/7/2011, nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp các nhà đầu tư bất động sản tại địa bàn này khai thác hiệu quả tiềm năng, xác định chiến lược phát triển minh bạch và đúng đắn.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho biết: Sau khi quy hoạch chung (QHC) Hà Nội được phê duyệt sẽ tiếp tục tiến hành điều chỉnh lại Quy hoạch Vùng Thủ đô và điều này sẽ tạo ra sự phát triển cho các đô thị vệ tinh, khu công nghiệp trong vùng. Những nhân tố này chính là chất xúc tác kích thích sự phát triển BĐS không chỉ riêng tại địa bàn Hà Nội mà còn lan tỏa sang khu vực tỉnh, thành phố lân cận. QHC đáp ứng các yêu cầu để Hà Nội phát triển thành Thủ đô đa chức năng, ngưỡng dân số được xác định sẽ ổn định quanh mốc 12 triệu người. QHC Hà Nội sẽ có tác dụng tích cực đến các doanh nghiệp trong ngành BĐS; là cơ sở cho các doanh nghiệp lựa chọn, tập trung tham gia phát triển toàn diện nhiều dự án BĐS với quy mô và vị trí phù hợp - Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Phan Thành Mai cho hay. Thời gian tới, các doanh nghiệp BĐS cần xây dựng kế hoạch nhân lực cho các chuyên ngành phù hợp và chuẩn bị kế hoạch tài chính vững vàng.

Hiện nay, vấn đề được cả người dân lẫn doanh nghiệp quan tâm nhất vẫn là triển khai thực hiện QHC sau khi được phê duyệt. Ông Dương Đức Tuấn - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội khẳng định: Để quy hoạch trở thành hiện thực và đi vào cuộc sống, giai đoạn tiếp theo còn phải triển khai nhiều khâu như: xây dựng và ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch theo tầng bậc, cấp độ khác nhau để cụ thể hóa quy hoạch chung và tạo công cụ quản lý phát triển đô thị một cách toàn diện… Hiện Hà Nội đang tiến hành lập kế hoạch và triển khai khoảng 30 đồ án QHC đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện; 30 đồ án quy hoạch phân khu; 60 đồ án quy hoạch chi tiết và các quy hoạch đặc thù.

Về thị trường hàng hóa BĐS hiện nay, ông Vũ Xuân Thiện - Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) nhận định: khối lượng hàng hóa cho thị trường vẫn còn nhỏ bởi trong tổng số 85 triệu m2 nhà ở được xây dựng mới trong giai đoạn gần đây, chỉ có 30% là nhà ở hàng hóa (thuộc nhóm hàng do các doanh nghiệp xây dựng theo hình thức nhà thương mại để bán), tỷ lệ còn lại vẫn do dân tự xây dựng. Nếu xét quy mô dân số Hà Nội sau khi mở rrộng địa giới hành chính và cả cơ cấu hàng hóa thì nhu cầu nhà ở của người dân tại Thủ đô vẫn rất cao. Bởi vậy, hiện tượng trầm lắng chỉ là tạm thời để thị trường BĐS điều chỉnh về cơ cấu, tỷ trọng hàng hóa cũng như giá cả.

Tại hội nghị, tham luận của các chuyên gia đã mang lại bức tranh tổng quan cho các nhà đầu tư để xây dựng được định hướng đầu tư BĐS hiệu quả hơn. Thông qua giới thiệu chi tiết của các chuyên gia, nhà đầu tư sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề quy hoạch, phát triển các dự án sau quy hoạch cũng như các dự án thuộc phạm vi quy hoạch Vùng Thủ đô. Ngày cao điểm nhất có khoảng 8.000 lượt người đến tìm hiểu QHC Hà Nội - con số này cũng phần nào chứng tỏ sự quan tâm của người dân đến đồ án quan trọng này.

DiaOcOnline.vn - Theo Tầm Nhìn