Quy hoạch đô thị Hà Nội đang “chạy” theo dự án?

Cập nhật 30/05/2018 14:03

Hà Nội đang quy hoạch thiếu đồng bộ, “thả phanh” cho các dự án, chung cư cao tầng mà “bỏ quên” hạ tầng giao thông, xã hội đi kèm.

Thực trạng hiện nay, nhiều khu đô thị tại Hà Nội “vỡ trận” vì không có bãi gửi xe ô tô, nhất là khi ngành chức năng đóng cửa các điểm trông giữ xe không phép. Ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho rằng, thiếu bãi đỗ xe chỉ là một trong rất nhiều hệ lụy mà Hà Nội phải “trả” cho việc quy hoạch thiếu đồng bộ, “thả phanh” cho các dự án, chung cư cao tầng mà “bỏ quên” hạ tầng giao thông, xã hội đi kèm. Câu hỏi được đặt ra là phải chăng, quy hoạch đô thị Hà Nội đang “chạy” theo dự án?

Từng được biết đến là một trong những địa bàn thông thoáng của quận Thanh Xuân, nhưng vài năm trở lại đây, do sự xuất hiện “chóng mặt” của các dự án, tòa nhà chung cư, đã biến phường Nhân Chính “rơi” vào tình trạng chật chội bậc nhất thành phố.

Giờ đây, đi giữa tuyến đường Lê Văn Lương (qua địa bàn phường Nhân Chính) không khác gì đi giữa các tòa nhà. Thống kê cho thấy, hai bên tuyến đường này (đoạn đường Láng đến Ngã tư Hoàng Minh Giám) dài hơn 1km, nhưng có gần 40 tòa chung cư cao tầng vây kín. Số lượng chung cư nhiều đã “đẩy” dân số của phường Nhân Chính tăng từ 23.000 người (năm 2010) lên 43.000 người (năm 2018).


Từ lâu Hà Nội đã có chủ trương di dời các nhà máy, trường học, bệnh viện… ra ngoại thành.

Ông Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch UBND phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân cho biết, dân cư đông tạo ra rất nhiều áp lực như vấn đề đô thị. Các điểm đỗ xe ô tô cũng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu người dân. Sinh hoạt của bà con xung quanh khu vực, các cháu đi học cũng đang là khó khăn cho địa bàn phường…
Tương tự, tại khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai - khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Thủ đô cũng đang “biến dạng” theo thời gian. Gần 80 tòa nhà cao tầng san sát, với số dân 8 vạn người đang dồn nén hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội…khu vực này.

Từng là thành viên của Bộ Xây dựng lập phương án khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm, PGS.TS. Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, khu đô thị Linh Đàm là một sự thất vọng lớn. Bởi mục tiêu xây dựng đô thị thân thiện với thiên nhiên, nghiêm ngặt những quy chuẩn, nay đã bị méo mó hoàn toàn. Quỹ đất trong khu đô thị không nhiều, khả năng dung nạp có giới hạn, nhưng Hà Nội đã không hề cân nhắc khi phê duyệt các công trình, dự án.

Còn theo Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, khu đô thị Linh Đàm hôm nay là sản phẩm của việc bổ sung quy hoạch, chứ không phải quy hoạch cho khu đô thị kiểu mẫu được duyệt trước đó.

“Khu CC6 của Linh Đàm đấy có trên 5ha được xây dựng đến 12 tòa cao tầng với khoảng 10.000 căn hộ. Rõ ràng, không có tiêu chuẩn nào về quy hoạch đô thị như thế cả. Hay tòa nhà PV6 Linh Đàm về mặt cảm quan thì đấy không phải là kích thước của đô thị, phá vỡ toàn bộ không gian khu đô thị”, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính nêu rõ.

Từ lâu, Hà Nội đã có chủ trương di dời các nhà máy, trường học, bệnh viện… ra ngoại thành mà mục đích chính được cho là giảm ùn tắc giao thông, tránh “dồn nén” cư dân vùng lõi. Nhưng, thực tế những gì đang diễn ra lại đi ngược với chủ trương này.

Lác đác vài nhà máy được chuyển đi, ngay lập tức các công trình khổng lồ, dự án cao vút lại mọc lên thay thế. Và, trong nay mai, ai dám chắc, phần đất của các cơ quan, xí nghiệp như Bến xe Giáp Bát, Công ty rượu cồn Hà Nội, Nhà máy thuốc lá Thăng Long… sẽ không chung số phận bị các đại gia thâu tóm như từng xảy ra với Công ty dệt 8/3, Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo?

Ông Trần Hoàng Duy, trú tại phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai hoài nghi về chủ trương di dời các nhà máy, trường học, bệnh viện… của nhà chức trách thành phố, không biết có thực sự vì mục đích giảm ùn tắc giao thông hay vì một mục đích nào khác?

“Tôi chưa thấy một nhà máy hay một xí nghiệp dời đi mà thay vào đó là công viên hay nhà trẻ mẫu giáo. Trong khi đó, Hà Nội luôn kêu thiếu đất cho xây dựng trường học, khu vui chơi… Vấn đề nữa là việc điều chỉnh quy hoạch thường xuyên làm cho nhiều khu vực bị băm vụn. Tôi có cảm giác quy hoạch tại Hà Nội như đang chạy theo dự án”, ông Duy nêu ý kiến.

Hoài nghi của ông Trần Hoàng Duy là điều dễ hiểu, khi phần lớn các công trình xây dựng đang triển khai trên địa bàn thành phố đều gắn mác “Khu chung cư”, “Trung tâm thương mại”, “Tổ hợp văn phòng nhà ở, cho thuê”… Câu chuyện lập lại trật tự văn minh đô thị, giải tỏa bãi xe không phép của ngành chức năng Hà Nội sẽ rất khó “đến đầu đến đũa”, khi công tác quy hoạch và quản lý đô thị vẫn chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ.

DiaOcOnline.vn - Theo VOV