Quy hoạch chung của huyện Bình Chánh đến nay vẫn chưa được phê duyệt nên dẫn đến nhiều bất cập trong công tác quản lý môi trường.
“Năm 2008, Bình Chánh đã xử phạt 281 cơ sở gây ô nhiễm với số tiền hơn 500 triệu đồng. Chín tháng đầu năm 2009, huyện tiếp tục lập biên bản xử phạt 387 cơ sở với số tiền hơn 630 triệu đồng. Sở dĩ có sự gia tăng tình trạng ô nhiễm là do Bình Chánh là nơi tiếp nhận nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm từ khu vực nội thành di dời về...”. Ông Nguyễn Văn Tươi, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, báo cáo trong buổi làm việc với Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, ngày 25-9.
Quốc lộ 1 thuộc địa bàn huyện Bình Chánh là bộ mặt cửa ngõ TP nhưng nhếch nhác vì nhà cửa hai bên đã xuống cấp do người dân không được xây dựng kiên cố |
“Điểm nóng” về môi trường của TP
“Chúng tôi chấp nhận mất 5 tỉ đồng thuế mỗi năm chứ không chấp nhận bị thiệt hại hàng trăm tỉ đồng do ô nhiễm. Không phải Bình Chánh là huyện ngoại thành còn nhiều đất trống thì doanh nghiệp nào muốn về sản xuất gây ô nhiễm cũng được!”. (Trích phát biểu của ông Trần Trọng Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh) |
Bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, thông tin tiếp: Mới đây, qua kiểm tra các cơ sở sản xuất trong KCN Lê Minh Xuân đã phát hiện một số sai phạm như nước thải chưa được xử lý hoặc đã xử lý nhưng chưa đạt tiêu chuẩn vẫn thải ra môi trường, ngoài ra, còn nhiều cơ sở đấu nối sai hệ thống xả thải. Đặc biệt, trong số 9 hố ga thoát nước mưa của KCN Lê Minh Xuân có đến 7 hố ga có chứa nước thải. Hậu quả việc xả thải của các cơ sở sai phạm này là 66 trong số 226 tuyến kênh của huyện bị ô nhiễm, trong đó có nhiều tuyến không còn chức năng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Từ thực tế trên, các đại biểu nhận xét: “Huyện Bình Chánh đang là “điểm nóng” về môi trường của TP. So với thời gian trước, số lượng kênh rạch ô nhiễm của Bình Chánh đã tăng lên, nếu không có giải pháp kịp thời, hệ thống kênh rạch của Bình Chánh sẽ “chết” theo kênh rạch của quận 8”.
Ông Ngô Thành Đức, Phó Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên - Môi trường, còn lưu ý: Các cơ sở tái chế chất thải rắn trên địa bàn huyện Bình Chánh còn rất nhiều vì hầu hết là cơ sở tiểu thủ công nghiệp, không đầu tư cơ sở vật chất nên “đánh” nơi này chạy nơi khác. Bên cạnh đó, việc nhập nhằng trong đăng ký ngành nghề sản xuất làm công tác quản lý càng thêm khó. “Các cơ sở sản xuất ở KCN Vĩnh Lộc đăng ký sản xuất keo dán nhưng thực ra là tái chế từ các dung môi gây hại”- ông Đức dẫn chứng.
Quy hoạch “ba lên hai xuống”
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, ông Phạm Văn Đông, nhận định: Có quy hoạch mới có thể quản lý được vấn đề môi trường cũng như các vấn đề xã hội khác. Tuy nhiên, hiện nay, quy hoạch chung của huyện Bình Chánh vẫn chưa được phê duyệt. Năm 2008, UBND huyện đã trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc đồ án quy hoạch xây dựng chung, sau đó Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã 2 lần gửi công văn góp ý chỉnh sửa và UBND huyện cũng đã bổ sung điều chỉnh, hiện đồ án vẫn đang đợi sở thẩm định trước khi trình UBND TP phê duyệt. Ông Nguyễn Minh Hoàng, nguyên trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, nhận xét: “Cứ quy hoạch theo công thức “ba lên hai xuống” như thế này biết đến bao giờ Bình Chánh mới có quy hoạch chung và phủ kín quy hoạch chi tiết!?”.
Lý giải công thức “ba lên hai xuống”, ông Đoàn Nhựt, Trưởng Phòng Công Thương huyện Bình Chánh, cho biết do địa bàn huyện là cửa ngõ TP, là khu vực có nhiều đầu mối hạ tầng kỹ thuật chung của TP nên phải điều chỉnh, thay đổi thường xuyên. Thế nhưng hiện nay, các quy hoạch chung này vẫn chưa được định hướng cụ thể và định vị chi tiết. Ông Nguyễn Minh Hoàng giật mình: “Những quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000 chậm trễ còn có thể hiểu được nhưng các quy hoạch chung mà đến giờ này chưa có định hướng cụ thể thì không ổn chút nào, đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc xem lại vấn đề này”. Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc, ông Nguyễn Đình Luận, cho biết sở sẽ cố gắng thẩm định dự án và trình UBND TP phê duyệt vào tháng 11- 2009.
Ông Trần Trọng Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết do “dính” đến quy hoạch chung của TP nên nhiều nơi người dân gặp khó khăn trong vấn đề xây dựng nhà cửa, đặc biệt là khu dân cư dọc hai bên Quốc lộ 1A, nhà cửa xuống cấp khiến chất lượng cuộc sống người dân không được bảo đảm, mỹ quan đô thị khu vực cửa ngõ TP cũng rất nhếch nhác nên Bình Chánh cũng kiến nghị được nghiên cứu đề án tổ chức chỉnh trang đô thị dọc hai bên Quốc lộ 1A, trong đó nghiên cứu độ lùi xây cất so với tuyến quốc lộ cũng như kiến trúc để bảo đảm mỹ quan đô thị, cuộc sống người dân.
Ba lần giám sát vẫn chưa... nhúc nhích
Ông Huỳnh Công Hùng, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, cho rằng chính công tác quy hoạch chậm trễ đã dẫn đến những bất cập trong việc quản lý môi trường. Ví dụ hệ thống kênh rạch, nếu huyện Bình Chánh làm tốt quy hoạch sẽ trở thành các điểm du lịch sinh thái, làm không tốt sẽ thành nơi gây ô nhiễm, phát sinh bệnh tật. Hoặc tại các KCN, có quy hoạch mới đấu nối và điều tiết được các hệ thống xả thải. HĐND đã giám sát vấn đề quy hoạch tại Bình Chánh ba lần nhưng đến nay vẫn chưa có quy hoạch chung.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động