Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, TS Đào Ngọc Nghiêm về giả định "đất thương mại, du lịch, dịch vụ được sử dụng lâu dài như đất ở".
* Ông có thể nói về sự khác biệt cơ bản giữa đất ở và đất thương mại, du lịch, dịch vụ?
- Điểm khác nhau giữa hai loại đất này là ở quyền của chủ sử dụng và thời hạn sử dụng. Người chủ đất ở có 7 quyền sở hữu nhà ở còn với đất dịch vụ, du lịch, thương mại, người sở hữu chỉ có quyền với thời gian lưu trú giới hạn theo hành lang pháp lý. Cụ thể, quyền chuyển nhượng không phải thỏa thuận dân sự giữa hai bên mà phải có điều kiện bởi đây là đất thuê. Sau thời hạn đó, Nhà nước có thể thu hồi để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đó là chưa tính các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật để khống chế mật độ xây dựng khác nhau. Yếu tố quan trọng là hệ số sử dụng đất, tổng diện sàn trên diện tích đất, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật. Chẳng hạn, với đất dịch vụ, thương mại, du lịch, khoảng 2-4 căn hộ mới có một chỗ đỗ xe. Trong khi đó, một căn hộ chung cư có thể có 2 chỗ đỗ xe. Mức độ tác động đến hạ tầng kỹ thuật sẽ khác nhau với cách tính khác nhau.
Vấn đề lớn nhất hiện nay là tính thời hạn cho loại đất dịch vụ, du lịch, thương mại thế nào? Có đề xuất thời hạn lên đến 99 năm. Nhưng nếu cho thuê quá dài như thế sẽ rất khó dự báo tốc độ phát triển kinh tế - xã hội để điều tiết. Trong Luật Đất đai từ năm 1993-2003 đến nay, thời hạn sử dụng đất dịch vụ, thương mại, du lịch đều trong khoảng 30, 50 hoặc 70 năm tùy vào độ bền vững của công trình. Theo tôi, đây là thời gian tương đối hợp lý.
TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội. |