Sau gần 1 năm hoạt động, Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn TPHCM (Quỹ 156) chính thức xác nhận 50 tỷ đồng được cấp cho quỹ đến nay đã giải ngân hết, trong khi vẫn còn hàng ngàn người dân có đất bị thu hồi trên địa bàn TP có nhu cầu hỗ trợ vốn...
Mỏi mòn chờ vốn...
Như bao người dân khác, anh Huỳnh Minh Huy (ngụ tại 20 tổ 3 khu phố 4 phường Tăng Nhơn Phú B quận 9) đã giao phần đất nông nghiệp của gia đình cho dự án Khu công nghệ cao TP. Còn lại số ít đất đai anh tập trung đầu tư chăn nuôi. Khi có thông tin hỗ trợ từ Quỹ 156, anh đã làm đơn vay 15 triệu đồng để có thêm nguồn vốn đầu tư. Nhưng kể từ khi nộp đơn cho đến nay gần 5 tháng, anh vẫn chưa được nhận tiền. Tại phường Tăng Nhơn Phú B có ít nhất 7 người rơi vào tình trạng như anh Huy.
Đến quận 2, một trong những địa phương có số hộ dân bị giải tỏa lớn của TP, hàng trăm người cũng đang mỏi mòn chờ đợi những đồng vốn để chuyển đổi nghề nghiệp, tăng thêm thu nhập. Anh Phương, ngụ tại khu chung cư Bình Trưng Đông, cho biết, anh đang mở một tiệm cơm bình dân, cần số vốn khoảng 10 triệu đồng để mua sắm thêm bàn ghế. Làm đơn vay từ năm 2007, đến nay anh cũng chưa có tiền khiến công việc làm ăn của anh không mấy thuận lợi.
Đến trực tiếp tại Hội đồng quản lý Quỹ 156, chúng tôi không khỏi giật mình trước số lượng hồ sơ đang tồn đọng từ tháng 11-2007 đến nay. Gần 600 đơn vay đã thẩm định với số tiền gần 10 tỷ đồng đã được duyệt từ trên 6 tháng nay vẫn chưa thể giải ngân cho người dân. Trên 2.300 hồ sơ vay với tổng vốn khoảng 16,5 tỷ đồng từ các quận huyện đã gởi lên Hội đồng quản lý Quỹ 156, nhưng hội đồng chưa thể xét duyệt vì lý do… có duyệt cũng chẳng có tiền!
Trong hàng ngàn hồ sơ đó, có không ít đơn vay từ tháng 7, tháng 8 năm ngoái. Nhưng đó mới chỉ là con số ở Hội đồng quản lý Quỹ 156. Tại các quận huyện, số lượng đơn vay “nằm” lại cũng không nhỏ, với nhu cầu vốn khoảng trên 50 tỷ đồng. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản lý Quỹ 156, ông Nguyễn Văn Xê, tính đến hết tháng 2, nguồn Quỹ 156 đã duyệt vay vốn trên 63,1 tỷ đồng (toàn bộ hơn 50 tỷ đồng được ngân sách TP cấp cho quỹ hoạt động đã giải ngân hết). Với số lượng hồ sơ vay đang tồn đọng và nhu cầu người dân đang tiếp tục cần hỗ trợ, hiện nay, Quỹ 156 đang thiếu khoảng 70 tỷ đồng. Nếu không giải quyết sớm nguồn vốn, người dân bị thu hồi đất sẽ gặp nhiều khó khăn trong làm ăn.
Vì sao chậm bổ sung vốn?
Trong quy định về mức thu và quản lý, sử dụng Quỹ 156 do UBND TPHCM ban hành có quy định (tại Điều 4) rất rõ về nguồn vốn. Theo đó, nguồn vốn bao gồm các nguồn sau: nguồn ngân sách TP cấp ban đầu để thành lập quỹ (50 tỷ đồng); khoản đóng góp của chủ đầu tư sử dụng đất thu hồi của người dân; nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân. Trong trường hợp quỹ không đủ đáp ứng nguồn vốn cho vay thì có thể huy động từ các nguồn tín dụng khác và được ngân sách nhà nước TP cấp bù lãi suất.
Một thành viên Hội đồng quản lý Quỹ 156 cho biết, nguồn ngân sách TP cấp ban đầu đã hết, khoản đóng góp của các chủ đầu tư cho đến nay Quỹ 156 chỉ mới nhận được khoảng 6 tỷ đồng từ Ban quản lý dự án khu vực đầu tư xây dựng quận 4. Nguồn đóng góp tự nguyện thì chưa có. Trước thực trạng “cháy” vốn như hiện nay, chỉ còn trông chờ vào nguồn ngân sách TP cấp. Tuy nhiên, Hội đồng quản lý quỹ đã kiến nghị cấp bổ sung 70 tỷ đồng gấp, nhưng đến nay vẫn chưa thấy chuyển vốn về…
Việc vốn ngân sách chậm chuyển về, có thể có nhiều lý do, nhưng với trên 335 dự án với hàng trăm tỷ đồng đã triển khai từ năm 1995 đến nay thì việc TP chỉ mới thu chưa được 6 tỷ đồng từ các chủ đầu tư dự án là điều… không bình thường. Bởi trong quy định nguồn thu cho Quỹ 156 có nói rõ: đối với các dự án mới chưa triển khai, chủ đầu tư phải đóng góp không quá 5% chi phí bồi thường, hỗ trợ của dự án; đối với các dự án đang bồi thường dở dang, khoản đóng góp không quá 3%.
Một cán bộ làm trong ban quản lý dự án một huyện ngoại thành cho biết, việc yêu cầu chủ đầu tư đóng góp nguồn vốn vào Quỹ 156 là rất cần thiết và thể hiện được trách nhiệm với người dân. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất khiến chủ đầu tư chậm góp vốn là do quy định… không rõ ràng. Đóng góp không quá 5%, hay không quá 3% nhưng cụ thể là bao nhiêu? 1%, 2%, 2,9% cũng là không quá 3%; 1%, 3%, 4%, 4,9% cũng là không quá 5%. Vậy thì chủ đầu tư đóng góp như thế nào? Không lẽ tùy vào lòng hảo tâm? Rồi nữa, chi phí bồi thường, hỗ trợ của dự án là chi phí gì, cần phải có quy định cụ thể.
Sự không rõ ràng này đã được Phó Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM Nguyễn Thiềng Đức đề nghị với UBND TP bỏ cụm từ “không quá” mà quy định thẳng tỷ lệ đóng góp của chủ đầu tư vào Quỹ 156 là 3% đối với dự án đang bồi thường dở dang và 5% cho dự án mới chưa triển khai.
Về tính khả thi và phải có biện pháp chế tài để chủ đầu tư nộp tiền, theo ông Đức, UBND TP nên bổ sung quy định “giao cho Ban bồi thường nhiệm vụ trích nộp tiền đóng góp của chủ đầu tư vào Quỹ 156”. Tuy nhiên cho đến nay, đề nghị đó. Vẫn chỉ là đề nghị. Tất nhiên, muốn điều chỉnh quy định cần phải có thời gian, nhưng cũng không thể quên người dân đang rất cần vốn, cần hỗ trợ học phí… sau khi đã bị thu hồi đất. Vì thế, nên chăng, TP cần phải nhanh chóng trích ngân sách để cấp vốn cho Quỹ 156 hoạt động như kiến nghị của Hội đồng quản lý quỹ? Bởi ngân sách đó sẽ không mất đi sau khi các quy định về đóng góp của chủ đầu tư đã rõ ràng, sẽ lấy nguồn thu từ hàng trăm dự án bù đắp lại…
Một số thông tin về Quỹ 156:
- Ra đời vào ngày 27-10-2006 theo Quyết định số 156/2006/QĐ-UBND của UBND TPHCM.
- Chính thức hoạt động hỗ trợ từ tháng 5-2007.
- Tính đến hết tháng 3-2008: cho vay 515 dự án với tổng số tiền 61,4 tỷ đồng hỗ trợ việc làm cho 9.217 lao động của hộ dân có đất bị thu hồi. Giải quyết hỗ trợ gần 528,8 triệu đồng học phí cho 1.073 học sinh sinh viên. Hỗ trợ đào tạo trung cấp nghề cho 14 lao động với kinh phí trên 11 triệu đồng.
- Trong năm 2008, quỹ cần bổ sung vốn từ ngân sách khoảng 100 tỷ đồng, trong đó trước mắt cần 70 tỷ đồng để cấp cho trên 2.300 đơn vay đang chờ giải ngân.