Quy định phân hạng chung cư: Bắt buộc hay cho tự nguyện?

Cập nhật 27/01/2016 10:48

Dự thảo Thông tư quy định về phân hạng nhà chung cư của Bộ Xây dựng đang gây nhiều băn khoăn cho doanh nghiệp bất động sản.

Theo Quy định về phân hạng nhà chung cư mới được Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đưa ra thì nhà chung cư sẽ được đánh giá theo nhiều tiêu chí, trong đó có cả việc đánh giá theo nhóm như về quy hoạch - kiến trúc, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, mức độ và chất lượng hoàn thiện và chất lượng dịch vụ quản lý nhà chung cư. Những quy định này đã được đề cập trong Luật Nhà ở 2014.

Đồng thời, nhà chung cư cũng được phân hạng theo nguyên tắc chấm điểm trên cơ sở 4 nhóm tiêu chí, gồm: hạng A (chung cư cao cấp) có tổng điểm từ 90 đến 100; hạng B là chung cư có tổng điểm từ 80 đến dưới 90 và hạng C là chung cư có tổng điểm dưới 80.
.


Trong quy định còn có nhiều tiêu chí mang tính chất định tính

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, thông tư này sẽ được áp dụng cho các nhà chung cư thương mại, chung cư tái định cư, bao gồm cả nhà chung cư hỗn hợp dùng để ở và sử dụng vào mục đích khác.

Theo phụ lục tiêu chí đánh giá phân hạng nhà chung cư kèm theo Dự thảo thông tư này, các tiêu chí phân hạng chung cư được liệt kê một cách khá chi tiết. Chẳng hạn, với tiêu chí vị trí, nếu dự án thuận tiện sử dụng các dịch vụ thể thao, thương mại với khoảng cách dưới 500 mét được chấm 2 điểm, trên 500 mét được chấm 1 điểm.

Theo nhiều doanh nghiệp bất động sản và quản lý xây dựng, nếu áp dụng theo các mục quy định đánh giá này thì chung cư sẽ được xếp hạng như khách sạn.

Mặc dù quy định trên chưa chính thức áp dụng và đang lấy ý kiến dự thảo, nhưng đã nhận được nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp địa ốc và cả Sở Xây dựng TP.HCM.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở (Sở Xây dựng TP.HCM) cho rằng, chỉ nên phân hạng nhà ở thương mại, vì các loại nhà khác đều do Nhà nước đầu tư. Đồng thời, theo ông Hải, nên quy định thêm rằng, để công nhận hạng đối với các chung cư đã hoàn thiện và có người ở cần có điều kiện là nhà chung cư đó không xảy ra tranh chấp.

Ông Hải cũng cho rằng, các tiêu chí phân hạng cần thu gọn lại, đồng thời cần làm rõ một số khái niệm như tuổi thọ, vật liệu xây dựng cao cấp…

Phản ứng về quy định trên của Bộ Xây dựng, ông Trương Thành Nhân, Tổng giám đốc Công ty Vạn Phát Hưng băn khoăn, trước đây, đơn vị đã công bố là chung cư hạng nhất, chẳng lẽ nay bị tụt hạng, bởi hầu hết căn hộ hiện không lắp đặt thiết bị vệ sinh nữ như theo quy định phân hạng nhà chung cư mới này.

“Quy định đặt ra tiêu chuẩn là mỗi căn hộ phải có phần diện tích 1,5 chỗ để xe hơi, 3 - 4 chỗ để xe gắn máy. Trên thực tế, đơn cử chung cư Phú Mỹ hiện có khoảng 500 căn hộ thì lấy đâu ra diện tích đủ chứa 750 xe hơi để đạt đủ tiêu chuẩn phân hạng?”, ông Nhân đặt câu hỏi.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn tại TP.HCM lo ngại rằng, quy định sẽ tạo thêm nhiều thủ tục và hàng loạt giấy phép con, như chứng nhận vật liệu cao cấp, loại vệ sinh cao cấp… trong quá trình đầu tư xây dựng nhà chung cư, dẫn đến cơ chế “xin - cho”, thêm thủ tục hành chính rườm rà.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, trong quy định còn có nhiều tiêu chí mang tính chất định tính, nếu không chỉnh sửa sẽ dễ gây ra tranh cãi, nên Ban Soạn thảo sẽ xem xét để định lượng các tiêu chí đó.

“Việc phân loại chung cư theo Dự thảo thông tư này là bắt buộc, bởi điều đó đã được quy định trong Luật Nhà ở 2014. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng sẽ cân nhắc 2 vấn đề mà nhiều doanh nghiệp còn băn khoăn. Thứ nhất, thời điểm phân loại chung cư là trước hay sau khi đã xây dựng, hoàn thiện dự án. Thứ hai, nên bắt buộc phân loại tất cả các chung cư hay chỉ với sự tự nguyện của chủ đầu tư”, ông Khởi cho biết.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư