Quy định mới về môi giới bất động sản: Chưa đủ để dẹp "cò"?

Cập nhật 22/02/2016 08:19

Quy định mới về cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản (BĐS) chính thức có hiệu lực, được xem là "cây gậy" giúp Bộ Xây dựng ngăn chặn "cò" BĐS lộng hành, làm méo mó thị trường. Đây là tín hiệu tốt, nhằm tạo ra sự minh bạch, chuyên nghiệp của nghề môi giới BĐS. Nhưng để thực hiện hiệu quả, cần thêm chế tài mạnh.

Nhà đầu tư tìm kiếm thông tin về các dự án bất động sản.

Theo quy định mới tại Thông tư số 11/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng thì từ ngày 16-2-2016, phải có chứng chỉ hành nghề mới được môi giới BĐS. Người dự thi sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS phải thi bắt buộc các nội dung như pháp luật liên quan đến kinh doanh BĐS; thị trường BĐS; đầu tư BĐS; phòng, chống rửa tiền trong kinh doanh BĐS. Phần kiến thức chuyên môn, bao gồm: tổng quan về dịch vụ môi trường BĐS; quy trình và kỹ năng môi giới BĐS; giải quyết tình huống trên thực tế. Tổ chức, cá nhân thành lập sàn giao dịch BĐS phải thành lập doanh nghiệp; sàn giao dịch BĐS phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Người quản lý điều hành sàn giao dịch BĐS phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Đối với các sàn giao dịch BĐS thành lập trước ngày Thông tư 11 có hiệu lực vẫn được tiếp tục hoạt động, nhưng chậm nhất là ngày 1-7-2016, phải bổ sung đầy đủ các điều kiện theo quy định...

Thực tế, khi thông tư này chưa ra đời, hoạt động kinh doanh BĐS rất lộn xộn. "Cò" nhà đất lộng hành, làm méo mó thị trường. Không ít người không có trình độ chuyên môn, không qua trường lớp đào tạo nhưng tham gia sàn giao dịch BĐS, môi giới, gây nhiễu thông tin, làm rối loạn thị trường BĐS. Thậm chí, vì lợi nhuận, có những "cò" đã cố tình quảng cáo bán nhà sai sự thật, "thổi" giá hay lừa đảo. Bởi vậy, việc Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 11 được "người trong cuộc" coi là "cây gậy" pháp lý chấn chỉnh những lộn xộn, đưa hoạt động môi giới BĐS vào khuôn khổ. Tuy nhiên, sau một tuần có hiệu lực, đã có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh các quy định mới này.

Ông Ngô Văn Dũng, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Phú Quý (quận Thanh Xuân) chia sẻ, thời điểm năm 2010 trở lại đây, giao dịch BĐS trầm lắng, việc quản lý, kiểm soát các sàn BĐS đã có thời điểm buông lỏng. Khi thị trường ấm lên, các sàn được lập ra ồ ạt, nhiều sàn hoạt động chui, không bảo đảm chất lượng. Đi cùng với đó là đội ngũ nhân viên tư vấn không có kiến thức hành nghề. Chính điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của các sàn BĐS làm ăn chân chính. Cũng theo ông Dũng, việc ra thông tư này là để đưa các sàn giao dịch BĐS đi vào khuôn khổ, nên bên cạnh những quy định về tiêu chuẩn người môi giới, điều quan trọng nhất là chế tài xử phạt nếu sàn giao dịch không chấp hành. "Cần có chế tài mạnh đối với các sàn giao dịch, người môi giới cố tình làm sai, có như vậy mới giúp lành mạnh thị trường kinh doanh BĐS" - ông Dũng bày tỏ quan điểm.

Còn theo đại diện Sàn giao dịch BĐS An Bình (Anbinhland - quận Cầu Giấy), vấn đề cốt lõi là yếu tố con người. Chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS cũng như bằng lái xe. Đều có bằng lái xe nhưng không phải ai cũng lái giỏi, cũng tuân thủ luật giao thông. Nếu một nhân viên môi giới BĐS có ý thức, xác định sẽ dấn thân, coi đó là một nghề lâu dài, thì bản thân họ sẽ luôn tự trau dồi kiến thức, không làm ăn kiểu chộp giật, tranh giành khách. Tương tự là phương thức quản lý; một khi sàn giao dịch đề ra kỷ cương, chấn chỉnh nhân viên ngay từ đầu, chắc chắn sẽ không có kiểu làm ăn chụp giật, tranh khách; thuyết phục chủ đầu tư bằng chiến lược bán hàng, cam kết về tiến độ và thời gian, chắc chắn sàn giao dịch BĐS là địa chỉ tin cậy. "Thông tư ra đời là cần nhưng yếu tố quan trọng là ở con người và cái tâm trong kinh doanh BĐS" - vị này nhấn mạnh.

Được coi là "cây gậy" chấn chỉnh hoạt động môi giới BĐS, song quy định này dường như mới nhằm tới các sàn giao dịch và đội ngũ môi giới chuyên nghiệp. Thực tế, có không ít người môi giới không chuyên, hoạt động tự do; và đây mới chính là những "cò" làm ăn chụp giật, cần phải chấn chỉnh.

Ông Ngô Văn Dũng, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Phú Quý (quận Thanh Xuân):

Cơ quan quản lý đã tập huấn cụ thể quy định

Quy định nhân viên hành nghề môi giới BĐS phải có chứng chỉ không mới. Khi thông tư này chuẩn bị có hiệu lực, cơ quan chức năng đã tổ chức hội thảo, tập huấn giới thiệu cụ thể. Sàn giao dịch BĐS Phú Quý cũng đã chủ động nắm bắt và chuẩn bị đáp ứng các điều kiện, quy định từ trước. Trong số 30 nhân viên, số người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS chiếm tới hơn 1/3.


DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới