Cá nhân người nước ngoài muốn kinh doanh bất động sản phải lập doanh nghiệp, bỏ quy định cứ nhập cảnh là được mua và sở hữu nhà, vốn pháp định từ 20 tỷ đồng trở lên…
Một loạt những điều chỉnh liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản, vừa được thảo luận và lấy ý kiến cho Dự thảo Luật kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở mới nhất trình Quốc hội vào cuối năm. Nếu được Quốc hội thông qua, Luật kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ 1/7/2015.
Trong những ngày gần đây, 2 Dự thảo Luật này đang được lấy ý kiến, thảo luận của các vị đại biểu chuyên trách Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước khi trình Dự thảo để Quốc hội thông qua vào cuối năm. Đã có nhiều ý kiến khác nhau, và cũng đã có một số thay đổi so với Dự thảo trước.
Những điểm mới đáng chú ý
-Vốn pháp định có thể được điều chỉnh theo hướng từ 20 tỷ đồng trở lên: Theo quy định cũ về quy định vốn pháp định đối với DN kinh doanh bất động sản khi thành lập doanh nghiệp là 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay không còn phù hợp khi DN kinh doanh bất động sản cần có đủ năng lực tài chính.
Vì thế, Dự thảo đã sửa đổi lại là 50 tỷ đồng. Quy định này đã có nhiều ý kiến trái chiều nhau. Có ý kiến cho đó là quá cao, chưa phù hợp thực hiện. Có ý kiến cho rằng nên điều chỉnh theo hướng từ 20 tỷ đồng trở lên, ý kiến này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu.
-2 phương án về mức thu tiền ứng trước của người mua nhà: Hiện có 2 luồng ý kiến trái chiều nhau về quy định này, có ý kiến cho rằng quy định tỷ lệ khác nhau giữa DN trong nước và DN nước ngoài, có ý kiến thì cho là quy định như vậy là chưa bình đẳng. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất 2 phương án, đó là có sự phân biệt tỷ lệ và không phân biệt tỷ lệ.
-Không quy định trong Luật về thời hạn giao nhà và trả lại tiền nếu không được giao nhà đúng hạn: Có luồng ý kiến cho rằng nên quy định cụ thể về thời điểm huy động vốn, thời hạn giao nhà và phải trả lại tiền nếu đến hạn giao nhà mà chủ dự án không giao được nhà. Về điểm này Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng bên mua và bên bán tự thỏa thuận, không quy định trong Luật.
-Thời điểm chuyển quyền sở hữu: Đây cũng là điểm mà còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo Ủy ban Thành vụ Quốc hội cho rằng sẽ tiếp thu theo hướng là thời điểm bên bán nhà bàn giao nhà, công trình xây dựng cho bên mua.
“Nóng” mở rộng phạm vi kinh doanh cho người nước ngoài
Đây là một trong những điểm được thảo luận và tranh luận nhiều trong thời gian qua.
Ngay tại Hội thảo về thị trường bất động sản mới đây do Auscham tổ chức, vấn đề này đã được thảo luận, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đặt vấn đề người nước ngoài có được thuê bất động sản để cho thuê lại? Người nước ngoài có được mua đất?...
Những khúc mắc này đã được Cục trưởng Cục quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà giải đáp ngay, đó là “việc kinh doanh bất động sản tại VN thì phải là pháp nhân. Tức là, cũng giống như người Việt, cá nhân người nước ngoài muốn kinh doanh bất động sản ở VN thì phải thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việc thành lập doanh nghiệp thì rất đơn giản.” ông Hà nói.
Trước đây, theo quy định thì chỉ cho phép người nước ngoài mua và sở hữu căn hộ, và quy định cũng khắt khe là phải người nước ngoài đầu tư vào VN, có công đặc biệt…thì mới được sở hữu. Nhưng nay, họ được mua và sở hữu cả biệt thự, liền kề tại các dự án nhà ở thương mại.
Tuy nhiên, người nước ngoài cũng chỉ được phép sở hữu nhà trên đất, và được Nhà nước giao quyền sử dụng đất, vì ở VN đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Nên họ cũng có quyền thừa kế, cho tặng, mua bán…
Điều khác biệt là người nước ngoài chỉ được giao quyền sử dụng đất 50 năm và được gia hạn thêm 50 năm nếu có nhu cầu, còn người Việt được giao quyền sử dụng đất lâu dài.
Ngoài ra, về quy định tại Dự thảo Luật cho phép cá nhân người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là được mua và sở hữu nhà ở. Đây cũng là điểm được nhiều đại biểu có ý kiến. Thông tin mới nhất thì quy định này đã không còn ở dự thảo luật mới nhất.
DiaOcOnline.vn - Theo Infonet