Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo Góp ý, bổ sung sửa đổi các luật về đầu tư kinh doanh do Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế trung ương tổ chức ngày 4-10 tại TP.HCM.
Quy định chuyển nhượng dự án còn gây khó khăn cho các nhà đầu tư bất động sản. Ảnh: Nguyễn Huế
|
Ông Nguyễn Hưng Quang, thành viên nhóm khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, thực tế khảo sát từ quá trình xin thủ tục phát triển dự án bất động sản cũng như sang nhượng dự án cho thấy có quá nhiều thủ tục, nhiều quy định chồng chéo khi phát triển dự án.
Cụ thể, Luật Đầu tư quy định nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư cho các nhà đầu tư khác với điều kiện phải tuân thủ các quy định của đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản trong trường hợp chuyển nhượng dự án gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, Luật Đất đai không quy định cho chuyển nhượng dự án đầu tư. Do đó, sẽ có hiện tượng các nhà đầu tư lách luật bằng nhiều hình thức. Điển hình như việc góp vốn để thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất gắn với dự án đầu tư.
Theo đại diện Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), ở BR-VT xảy ra tình trạng đất nhà nước giao cho thuê nhưng không còn chủ trương nữa cũng không thể thu hồi được. Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh đang làm văn bản xin ý kiến của các bộ liên quan. Theo đó, kiến nghị dự án nào mà nhà đầu tư trước đó không triển khai thì nên thu lại để giao cho nhà đầu tư khác, tránh tình trạng lãng phí. Đại diện Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh BR-VT cũng cho biết, vướng mắc hiện nay đối với dự án chậm thu hồi là khi giao đất cho nhà đầu tư chỉ giao được phần đất nhà nước cho thuê. Riêng phần đất mà doanh nghiệp mua của hộ gia đình thì bắt chuyển mục đích rồi mới được chuyển nhượng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, quy định về phát triển dự án và chuyển nhượng dự án của thị trường bất động sản còn nhiều bất cập cần sửa đổi. Đặc biệt, nên thống nhất các luật liên quan để nhà đầu tư, khi đến các địa phương, cần được đối xử và áp dụng quy định giống nhau. Tránh tình trạng không thống nhất trong quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Liên quan đến những bất cập trong các quy định về chuyển nhượng dự án, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho hay, trên địa bàn thành phố có gần 1.500 dự án, trong đó có 190 dự án bị thu hồi hoặc hết hạn đầu tư, 500 dự án ngừng thi công và chưa khởi công. Đây được xem là nguồn hàng tiềm năng cho hoạt động chuyển nhượng dự án. Tuy nhiên, quy định chuyển nhượng dự án hiện nay đang gây khó khăn cho các nhà đầu tư, trong khi việc chuyển nhượng dự án hay một phần dự án là hoàn toàn bình thường vì trong trường hợp nhà đầu tư A không thực hiện hết các bước của dự án nhưng muốn chuyển nhượng thì nhà đầu tư B sẽ thực hiện phần dang dở còn lại. “Nên cởi mở trong quy định chuyển nhượng dự án để khai thác hết nguồn vốn đang tồn đọng vì càng siết chặt càng gây lãng phí” ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh
Cùng quan điểm như trên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Nhà nước nên giảm điều kiện chuyển nhượng dự án để tăng cơ hội đưa các dự án tiếp tục đi vào giai đoạn hoạt động. Bên cạnh đó, thủ tục chuyển nhượng dự án bất động sản phải được thực hiện thống nhất theo quy định của Luật Đầu tư. Đồng thời, điều chỉnh bổ sung pháp luật đất đai cho phù hợp với pháp luật đầu tư về điều kiện và phạm vi chuyển nhượng dự án.
DiaOcOnline.vn - Theo Hải quan