Luật Nhà ở 2014 có độ mở rất lớn cho Việt kiều và người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Thế nhưng, tại hội thảo "Mở nút thắt cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà tại Việt Nam", được tổ chức ngày 14-9, tại TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và người có nhu cầu đều cho rằng luật đã mở nhưng có quá nhiều "nút thắt".
5 nút thắt
TS Nguyễn Trí Hiếu, Việt kiều Mỹ, chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá, Luật Nhà ở 2014 "tuyệt vời" khi "mở" cho Việt kiều mua nhà tại Việt Nam. Đánh giá "tuyệt vời" bởi chính ông trở về làm việc tại Việt Nam đã 6 năm nay nhưng "vẫn khó mua nhà". Với thu nhập ngày càng cao, trong khi giá nhà Việt Nam tương đối rẻ so với các nước như Canada, Mỹ, Anh… Bất động sản (BĐS) Việt Nam ngày càng thu hút kiều bào - theo TS Nguyễn Trí Hiếu.
“Mở” cho Việt kiều và người nước ngoài mua nhà được xem là cú hích đối với thị trường BĐS.
|
Nhu cầu nhiều, luật đã mở nhưng tại sao hiện nay vẫn rất ít Việt kiều và người nước ngoài (NNN) sở hữu nhà ở Việt Nam? Ông Robert Trần, Việt kiều Canada, CEO Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robenny của Canada cho biết, công ty ông nhận nhiều đề nghị tư vấn từ các công ty và cá nhân nước ngoài muốn mua nhà ở Việt Nam, nhưng phải từ chối tư vấn vì "vướng quá".
Còn ông Trần Hòa Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh cho rằng, có 5 nút thắt khiến Việt kiều và NNN khó sở hữu nhà tại Việt Nam gồm: Chậm triển khai các nghị định, thông tư hướng dẫn luật; thủ tục hành chính còn rườm rà, đòi hỏi nhiều giấy tờ không cần thiết dù đã có hộ chiếu gốc; chưa có quy định về quyền lợi cho kiều bào để họ yên tâm đầu tư; chưa linh hoạt về hình thức thanh toán, chưa quy định rõ ràng NNN chuyển tiền ra như thế nào sau khi bán hoặc chuyển nhượng lại nhà ở; cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ để kiều bào và NNN dễ tiếp cận để tìm hiểu, mua nhà.
Ông Đặng Chính Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đất Xanh Miền Nam cũng nêu lên một số bất cập khác như văn bản luật chưa chuyển sang ngôn ngữ quốc tế; ngoài ra, một số quy định khác như NNN không được trực tiếp đăng ký dịch vụ điện, nước… cũng làm giảm tính hấp dẫn về sở hữu nhà ở. Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển thì cho rằng, thị trường BĐS cho Việt kiều và NNN sau khi luật đi vào thực hiện không sôi động như kỳ vọng.
"Ngóng" hướng dẫn
Theo ông Tạ Nguyên Ngọc, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp (Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài), thị trường BĐS Việt Nam sẽ không có "cơn sốt" kiều bào mua nhà do số đông có nhu cầu, khả năng đã mua từ trước, nay chỉ có nhu cầu hợp thức, đứng tên. Là một đơn vị có nhiều dự án phù hợp với nhu cầu của Việt kiều và NNN, ông Bùi Cao Nhật Quân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland cho biết, sau khi luật có hiệu lực thì số lượng Việt kiều và NNN mua nhà không tăng đột biến so với trước dù các đối tượng này có quan tâm nhiều hơn. Lý do là trước đó Việt kiều và NNN có nhu cầu mua nhà cũng đã mua nhưng nhờ người khác đứng tên. Những kiều bào và NNN khác có nhu cầu mua nhà thì đang chờ đợi thông tin đầy đủ hơn về sở hữu nhà và các quyền lợi, trách nhiệm khi sở hữu.
Sở dĩ lượng kiều bào và NNN thời gian qua chưa mua nhà nhiều vì họ dành thời gian đầu để tìm hiểu kỹ thông tin, nên càng về sau số lượng mua nhà càng nhiều hơn. Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản cho biết: Từ ngày 1-7, khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực đến nay, cả nước đã có thêm... 9 người nước ngoài được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà tại Việt Nam.
Như vậy, trong 8 tháng đầu năm có 59 trường hợp được cấp sổ đỏ và hiện đã có 403 người nước ngoài sở hữu nhà ở (con số này trước khi thông qua Luật Nhà ở 2014 chỉ có hơn 200 người). Đối với trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài không còn quốc tịch thì cũng đã có gần 500 trường hợp sở hữu nhà ở Việt Nam. Riêng Việt kiều có quốc tịch Việt Nam, được mua nhà như người Việt trong nước nên không có thống kê.
Về độ trễ của nghị định và thông tư hướng dẫn luật, theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, không phải chỉ thị trường sốt ruột mà "chính chúng tôi là người làm luật cũng rất sốt ruột".
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới