Quỹ đất ít nhưng vẫn bỏ hoang

Cập nhật 09/06/2017 09:30

Theo các chuyên gia, quỹ đất tại TP Hồ Chí Minh không còn nhiều nhưng vẫn xảy ra tình trạng lãng phí, bỏ hoang và khai thác không đúng tiềm năng. Đây là nghịch lý, cần một chiến lược quản lý, sử dụng đất hiệu quả để tạo động lực cho thành phố phát triển.

Dự án SJC Tower sau hơn 10 năm được chấp thuận đầu tư hiện vẫn là bãi đất trống.

Diện tích đất tự nhiên của TP Hồ Chí Minh hiện chiếm 0,6% diện tích đất cả nước, nhưng dân số chiếm tới 9% dân số cả nước. Đất chật, người đông là thách thức lớn trong phát triển hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, đi một vòng tại khu Nam TP Hồ Chí Minh có thể thấy, dù nơi đây được thành phố chú trọng phát triển với định hướng tiến ra phía biển, nhưng thực tế lại tồn tại nhiều khu đất hoang, không tận dụng được gì kể cả sản xuất nông nghiệp. Dọc Đại lộ Nguyễn Văn Linh, kéo dài từ quận 7 đến huyện Bình Chánh, hàng nghìn héc ta đất hai bên đường cỏ và dừa nước mọc um tùm. Dọc đường Nguyễn Hữu Thọ nối dài (huyện Nhà Bè), đường Phạm Hùng nối dài (huyện Bình Chánh) tình trạng cũng tương tự.

Còn tại khu vực trung tâm, nơi được xem là "tấc đất tấc vàng", mới đây lãnh đạo thành phố đã "điểm mặt" một số dự án làm "xấu" mỹ quan đô thị. Trong số này có hai dự án nằm trên hai tuyến đường đắc địa ở quận 1 là SJC Tower (Lê Lợi) và Lavenue Crown (Lê Duẩn) hiện vẫn là những bãi đất trống dù đã được chính quyền thành phố giao quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư từ nhiều năm nay. Riêng dự án SJC Tower, hơn 10 năm sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư thì đến nay chủ đầu tư vẫn chưa triển khai, gây lãng phí lớn nguồn lực đất đai.

Tại cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu Sở Xây dựng rà soát lại tất cả các dự án đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận đầu tư. Dự án nào dang dở phải tập trung xử lý, dự án nào chưa khởi công phải làm việc với chủ đầu tư để đưa ra phương án cụ thể. Lãnh đạo UBND thành phố cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, cắt giảm các dự án không nằm trong quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thành phố sẽ xem xét thu hồi các dự án đã được cấp phép nhưng quá thời hạn quy định không triển khai thực hiện theo cam kết hoặc theo giấy phép. Trong năm 2017, TP Hồ Chí Minh dự kiến thu hồi 880 dự án với tổng diện tích đất hơn 7.000ha. Trong số này, có 498 dự án chuyển tiếp từ kế hoạch sử dụng đất năm 2015, 2016 với tổng diện tích thu hồi đất là 3.609ha, và 382 dự án đăng ký mới từ năm 2017 với tổng diện tích đất cần thu hồi là 3.480ha.

Tại cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố với các doanh nghiệp trong lĩnh vực hạ tầng vào cuối tuần qua, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND thành phố tập trung giải quyết 5 vấn đề lớn. Cụ thể, rà soát quy hoạch về phân vùng và sử dụng đất; công khai quy hoạch, kế hoạch các dự án, trong đó chậm nhất đến tháng 11-2017 phải đưa quy hoạch sử dụng đất lên hệ thống mạng; đẩy mạnh hợp tác công - tư tạo nguồn vốn cho thành phố phát triển; đẩy mạnh hoàn thiện và nâng cao môi trường đầu tư; chuẩn bị sẵn sàng về quỹ đất cho các nhà đầu tư.

Cũng để bảo đảm hiệu quả trong quản lý, sử dụng đất, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013. Theo đó, những sửa đổi tập trung theo hướng Chính phủ không ban hành khung giá đất, mà giao toàn quyền cho cấp tỉnh, thành phố để bảo đảm nguyên tắc giá đất phù hợp với thị trường; đồng thời thay đổi cơ chế tính tiền sử dụng đất, cho phép đấu giá quyền sử dụng đất dự án theo hướng tăng tính minh bạch và loại trừ cơ chế "xin - cho".

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới