Sáng nay (19.5), Quốc hội đã có một phiên thảo luận khá “nóng bỏng” xung quanh nội dung mở rộng địa giới hành chính Hà Nội theo đề nghị của Chính phủ. 31 đại biểu phát biểu tại hội trường đã chia thành hai luồng quan điểm khác biệt.
Với quan điểm “không cứ phải to mới là mạnh”, “thủ đô của Mỹ, một nước dân số đứng thứ 3 thế giới và GDP đứng đầu thế giới cũng chỉ rộng 158 km2”, đại biểu (ĐB) Ngô Văn Minh (Quảng Nam) không đồng ý mở rộng Hà Nội đến mức gấp 3,6 lần hiện tại.
ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) khẳng định: “Không phải có dân số, diện tích cực lớn thì Hà Nội có thể ngang tầm với các đô thị trong khu vực, nếu như trình độ phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục thấp kém”. Theo ông Cư, Hà Nội nên hướng tới là một trung tâm về nghiên cứu khoa học, giáo dục với việc chú trọng xây dựng những trường đại học ngang tầm khu vực và thế giới. “Hy vọng Hà Nội sẽ làm giàu bằng kinh tế tri thức chứ không phải là những khu công nghiệp lớn”, ông Cư nói.
ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) tiếp tục bảo lưu quan điểm ông đã từng phát biểu lâu nay, đó là: “Không đồng tình mở rộng địa giới hành chính Hà Nội vào thời điểm này”. Bởi ông Thuyết cho rằng “đây là một việc mang tầm vóc lịch sử, Quốc hội quyết định và phải chịu trách nhiệm trước lịch sử”. Theo ông, Hà Nội hiện tại có diện tích lớn gấp 1,5 lần Singapore nhưng trình độ phát triển thì ngược lại. “Chúng ta bảo Hà Nội chật chội, nhưng nó chật là vì chúng ta bày biện kém. Đừng vì vụng múa mà chê đất lồi”, ông Thuyết nói. Quan điểm của ông Thuyết mà sau đó được nhiều đại biểu đồng tình, đó là “cứ phát triển Hà Tây là Hà Tây mà không cần đổi tên nó”.
Nhóm đại biểu ủng hộ việc mở rộng Hà Nội cũng có nhiều lý lẽ thuyết phục không kém, mà đi đầu chính là các thành viên Chính phủ. Có đến 7 thành viên Chính phủ tham gia phát biểu trên hội trường sáng nay, nhằm thuyết phục Quốc hội ủng hộ đề án của Chính phủ.
Với những phân tích mang tính khoa học về những đòi hỏi của kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng (ĐB Đắk Nông) đề nghị Quốc hội “sớm thông qua đề án mở rộng Hà Nội để tạo tiền đề cho Chính phủ ban hành những cơ chế về vốn, tạo sức hút cho các nhà đầu tư” nhằm cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông Hà Nội vốn đang thiếu thốn. Khẳng định quan điểm xây dựng thủ đô đa chức năng, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng sau đó nói: “Không loại trừ trong quá trình chuẩn bị đề án có ý kiến khác nhau, nhưng Quốc hội cần dựa vào sự tham mưu của các cơ quan chuyên môn để quyết định”.
“Trong quá trình thảo luận có một số ý kiến đặt ra rằng bộ máy Hà Nội mới như thế nào, bố trí ngân sách ra làm sao... Đó là những ý kiến rất xác đáng. Nhưng Quốc hội phải quyết việc điều chỉnh địa giới hành chính thì Chính phủ mới có thể làm được những việc như quy hoạch (để công bố rộng rãi xin ý kiến nhân dân), tổ chức bộ máy và bố trí ngân sách...”, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng phát biểu. Phó thủ tướng đề nghị: “Tại kỳ họp này Quốc hội thông qua chủ trương về địa giới hành chính Hà Nội và giao cho Chính phủ tổ chức bộ máy, làm quy hoạch để có thể trình Quốc hội thông qua”.
Kết thúc phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói rằng, Chính phủ phải tiếp thu ý kiến các ĐB Quốc hội, đưa ra phương án để Quốc hội sẽ xem xét quyết định vào ngày 22.5.