Qui hoạch sân golf: "thảm họa" của "siêu" dự án trên giấy!

Cập nhật 19/03/2009 08:45

Nhiều dự án sân golf ở TP.HCM đang là những "siêu" dự án trên… giấy! Bên cạnh việc lãng phí tài nguyên đất, kiểu quy hoạch “treo” này cũng khiến đời sống hàng nghìn hộ dân điêu đứng.

Dự án sân golf làm chúng tôi chết đứng!

Đất sân golf lãng phí không kém gì kho bãi ! Đây là nhận xét của ông Đặng Văn Khoa – đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM khi được hỏi về sự lãng phí đất công tràn lan tại các dự án sân golf ở TP.HCM.

Là người từng giám sát, nêu tên nhiều "địa chỉ" với hàng chục nghìn m2 đất công kho bãi lãng phí, ông Khoa cho rằng, mức độ lãng phí đất sân golf còn ghê gớm hơn… bởi cùng với hàng trăm héc-ta đất là đời sống hàng nghìn hộ nông dân bị xáo trộn...

Theo thống kê, toàn TP.HCM có 7 dự án sân golf, trong đó phần đất dành cho sân golf là 648ha trên tổng số hơn 1.400ha được quy hoạch.

Cụ thể sân golf thuộc dự án Khu dân cư và công viên giải trí Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết từ hơn 9 năm nay nhưng cho đến thời điểm này, dự án vẫn chỉ tồn tại… trên giấy.

Kế hoạch xây dựng sân golf (được thực hiện từ năm 2004) qua nhiều lần “đổi chủ” và điều chỉnh quy hoạch, cuối cùng liên doanh Vạn Phúc - Yonwoo (Đài Loan) được chọn là chủ đầu tư, quy mô dự án trên 160ha, trong đó có một sân golf 27 lỗ (diện tích 96ha) khu biệt thự, chung cư (9.000 căn) cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại…

Ngày 17/03, chúng tôi trở lại khu dự án sân golf này và chứng kiến cảnh hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp bị bỏ hoang… Dấu vết cho thấy sự “tồn tại” của dự án này chỉ là tấm biển dựng bên một con mương nhỏ chỉ dẫn khu tái định cư 5,6ha cỏ lác ngập đầu.

Anh Nguyễn Văn Bé (35 tuổi) ngụ tại khu phố 5 cho biết gia đình anh có 4.000m2 đất nông nghiệp, cách đây 2 năm đã bán cho chủ đầu tư 3.000m2.



Biển treo giới thiệu Khu tái định
cư dự án sân golf Hiệp Bình Phước,
bên dưới chỉ là bãi đất hoang...

Theo anh Bé, phân biệt đất còn của dân và phần đất chủ đầu tư đã mua rất dễ: Khu đất nào còn trồng mai là chưa thoả thuận “khung” đền bù, khu nào cỏ mọc um tùm là đã được đền bù, giao đất nhưng chủ đầu tư chưa triển khai dự án… Theo quan sát của chúng tôi, khoảng trên 50% diện tích đã được chủ đầu tư bồi thường.

Quy hoạch “treo” của sân golf làm đời sống người dân rơi vào thế khó. Chị Bình, ngụ tại khu phố 5 cho biết, đã mấy năm nay, căn nhà vách lá của gia đình, sau mấy trận gió bay tốc mái, muốn sửa chữa nâng cấp thành nhà tường nhưng chính quyền không cho phép vì đất… lỡ nằm trong khu quy hoạch (?) Vậy là gia đình chị gồm hai vợ chồng, hai đứa con và một bà mẹ đành phải sống trong cảnh nắng chói, mưa dột. Khổ hết chỗ nói!

Một nông dân tên Bảy mà chúng tôi gặp ở khu phố 5 cũng bức xúc không kém. Dù sản xuất trên mảnh đất chưa được đền bù, nhưng hễ anh trồng cây gì thì chủ đầu tư và số cán bộ phường xuất hiện… “cảnh báo” sẽ không đền bù hoa màu trong phần đất trong quy hoạch (?).

“Hơn 9 năm “bó tay” vì quy hoạch treo như vậy, thử hỏi người nông dân chúng tôi thiệt hại bao nhiêu? Trước đây, cả khu phố sống bằng nghề trồng mai, nay đất bán cho chủ đầu tư rồi để hoang hoá… Xót xa là người dân bỏ đi nơi khác kiếm việc làm, nghề trồng mai trước 10 phần, nay chỉ còn 2-3 phần...” - anh Bảy buồn bã nói.



Nông dân đang canh tác trên phần đất thuộc dự án sân
golf Hiệp Bình Phước. Đây là phần đất chưa đền bù...


Một “nỗi khổ” khác của người dân ở đây là do nằm trong quy hoạch nên nước máy sinh hoạt không được kéo tới nhà, bà con phải dùng các lu lớn tích nước mưa, nước giếng khoan để dùng.

Cũng chung cảnh khổ với những dự án sân golf “treo” là hàng trăm hộ dân thuộc dự án sân golf Sing - Việt (huyện Bình Chánh). Khi công bố quy hoạch, nhiều người thực sự “choáng” với quy mô của dự án này: diện tích 300ha, vốn đầu tư lên tới 120 triệu USD. Tuy nhiên đã gần 9 năm qua, kể từ ngày được cấp phép nhưng Công ty TNHH đô thị Sing - Việt vẫn chưa triển khai được dự án, chưa tiến hành bồi thường, giải toả mặt bằng; thậm chí phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư chi tiết vẫn… chưa được UBND huyện Bình Chánh phê duyệt (?).

Ông Lê Thanh Sơn (67 tuổi) ngụ ấp 2 xã Lê Minh Xuân bức xúc: “Dự án sân golf cho người giàu làm người nghèo chúng tôi chết… đứng !” Ông Sơn chỉ tay về phía con rạch trước nhà nói: “Chú thấy đấy, dòng nước có chảy được đâu. Từ ngày có biển quy hoạch khu này, kênh thuỷ lợi chẳng ai quan tâm nên xuống cấp thảm hại, nước ứ đọng rất mất vệ sinh”.

Nhà ông Sơn có 2.000m2 đất vườn trồng xoài, mía, thu hoạch cũng tạm đủ ăn. Từ ngày được công bố thông tin nằm trong khu quy hoạch sân golf, mấy người con ông không còn chí thú với việc làm vườn…

Tách dân ra khỏi đất với giá bèo

Trong các năm từ 2001 đến 2006, hàng trăm người dân có đất nông nghiệp thuộc địa bàn phường An Phú, quận 2, TP.HCM nhận được “tráp” của UBND quận 2 mời lên nhận tiền bồi thường cho phần đất nằm trong dự án Khu liên hiệp sân golf - thể dục thể thao và nhà ở phường An Phú, quận 2 (quy mô 137ha, vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng).



Biển báo dự án sân golf An Phú, quận 2. Đã nhiều năm
qua, việc đền bù vẫn được thực hiện rất chậm chạp.


Việc chậm trễ của dự án này, theo báo cáo của Sở KH&ĐT TP.HCM là do khúc mắc ở giá bồi thường, hỗ trợ cho người dân. Thống kê từ 2001 đến 10/2008 cho thấy, dù nhà đầu tư và chính quyền liên tục “vận động” người dân nhận tiền - giao đất, đã có 200 hộ/312 hộ dân chấp nhận giá bồi thường là 150.000/m2 đất nông nghiệp; 200.000/m2 cho đất trồng cây lâu năm.

Số hộ dân còn lại cho rằng, mức đền bù, hỗ trợ trên là quá “bèo” so với vị trí và khả năng sinh lợi tại quận 2 - quận phát triển đô thị nhanh nhất tại TP. Càng bất hợp lý hơn nếu so sánh mức bồi thường trên với các dự án địa ốc của tư nhân trên địa bàn quận, họ chấp nhận đền bù cho dân từ 500.000 đồng đến1.000.000 đồng/m2 đất nông nghiệp.

Khúc mắc này giải thích lý do vì sao đến nay chủ đầu tư của Khu liên hiệp sân golf - thể dục thể thao và nhà ở phường An Phú chỉ đền bù được 57% diện tích. Sự chậm chạp của dự án khiến UBND TP mới đây đã có chỉ đạo, trong năm 2009 chủ đầu tư phải triển khai dự án và hoàn tất việc đầu tư cơ sở hạ tầng. Nếu không đáp ứng yêu cầu tiến độ trên thì đề xuất thu hồi đất, thu hồi giấy phép đầu tư.

Tuy mức đền bù rẻ, nhưng nhiều hộ dân đã nhận tiền chấp nhận ra đi cùng lời hứa sẽ nhận được nền tái định cư. Tuy nhiên, xem ra lời hứa này còn… dài vì trong khi 200 hộ dân nhận tiền để… “ra đi” kể trên đang rất cần chỗ ở... thì khu tái định cư 15ha (thực chất sử dụng có 10ha) của Khu liên hiệp này sau 8 năm vẫn đang trong giai đoạn triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật (?).

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet