Ở xã Liêu Xá (Yên Mĩ - Hưng Yên) sau khi nhường hơn 60% đất canh tác cho các dự án, trên những mảnh ruộng nhỏ hẹp còn lại nhiều người loay hoay không biết nên "trồng cây gì nuôi con gì" nên đã "chuyển đổi cơ cấu" bằng cách xây nhà trọ cho công nhân thuê. Mặc dù địa phương đã không dưới 3 lần tổ chức giải tỏa, nhưng chỉ sau một thời gian, đâu lại vào đấy.
Liêu Xá hiện có hơn 70 hộ xây nhà cho thuê, tập trung nhiều ở thôn Hảo và Liêu Thượng. Nhiều dãy nhà trọ nằm xen kẽ giữa các nhà máy, xí nghiệp. Mỗi dãy nhà rộng chừng 100 m2 được "biến tướng" dưới hình thức như: công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi, lán trông cây... Nhiều người thanh minh: vẫn biết là vi phạm nhưng cấy lúa chẳng được bao nhiêu đành chuyển sang xây nhà trọ để tăng thu nhập.
Mặt khác, hịên nay những cánh đồng mầu mỡ thì đã dành hết cho các nhà máy, xí nghiệp. Những mảnh, thửa chắp vá, đầu thừa, đuôi thẹo còn lại nằm xen giữa các dự án không thể làm gì được thì phải tận dụng xây nhà cho thuê để kiếm kế sinh nhai.
Tuy nhiên, nông dân một số nơi cho rằng, người dân Liêu Xá lấy đất nông nghiệp xây nhà trọ cũng là vì bất đắc dĩ. Vì hiện nay ở các vùng dự án, những thửa ruộng nằm ngay cạnh hoặc xen giữa các nhà máy không thể xoay xở trồng nổi cây gì. Do khâu qui hoạch không đồng bộ nên ngay từ khi khởi công san lấp mặt bằng nhiều dự án đã làm cho hệ thống tưới tiêu bị tê liệt, khi các nhà máy đi vào hoạt động thì nước thải và rác xả bừa bãi gây ô nhiễm nguồn nước, những cánh đồng ở xung quanh lâm vào cảnh "cấy thì dở, trồng không xong".
Các huyện Văn Lâm, Mĩ Hào, Yên Mĩ mỗi nơi có hàng trăm ha canh tác gặp khó khăn do tác động của các dự án công nghiệp. Đã có hàng chục ha trước đây vốn là "bờ xôi ruộng mật" nay phải bỏ hoang. Mặc dù dư luận nhân dân rất bức xúc và nhiều lần lên tiếng nhưng các doanh nghiệp không quan tâm, trong khi đó, các cơ quan chức năng ở Hưng Yên vẫn chưa có biện pháp gì để giải quyết. Vì vậy, cái khổ vẫn thuộc về người nông dân.