Quảng Ninh: Quyết tâm xử lý, thu hồi dự án, quy hoạch "treo"

Cập nhật 10/12/2007 15:00

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý sử dụng đất của các quy hoạch và dự án đầu tư, ngay từ đầu năm 2007, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Ninh kiên quyết xử lý, thu hồi đất đối với các dự án, quy hoạch, dự án giải toả "treo" trên địa bàn.

Tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ chính sách giao đất cho công nghiệp, phát triển dịch vụ; kiểm tra, rà soát lại chế độ xây dựng khung giá đất hợp lý.

Chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm nếu những vướng mắc do yêu cầu bất hợp lý của người dân hoặc do sự cản trở, buông lỏng của cơ quan chức năng gây ra, và phải cùng với các chủ đầu tư tham gia tháo gỡ. Với các vị trí đất được giao, yêu cầu các doanh nghiệp sử dụng đúng mục đích, đúng ranh giới được thuê.

Trường hợp mở rộng diện tích đất thuê để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc Nghị định, quy định của Luật Đất đai, chỉ được phép đưa vào hoạt động sản xuất khi đã có quyết định giao đất, cho thuê đất của cấp có thẩm quyền, đồng thời phải thực hiện ký hợp đồng thuê đất với Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh, Đặng Đình Lớp cho biết: hiện nay tại tỉnh có 7 quy hoạch, 35 dự án và 56 dự án giải tỏa "treo".

Đã có 150/186 xã, phường, thị trấn lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, đạt 80,6%; 23 xã, phường đang tiến hành lập quy hoạch sử dụng đất, dự kiến sẽ hoàn thành trong quý 4 năm nay, còn 13 xã, phường chưa lập quy hoạch sử dụng đất.

Đối với 35 dự án "treo", tổng diện tích 351,98 ha, UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định thu hồi đất của 20 dự án với diện tích 232,45 ha; gia hạn thời gian thực hiện cho 14 dự án, diện tích 68,23 ha. Riêng dự án trồng rau sạch, diện tích 51,3 ha ở huyện Hải Hà của doanh nghiệp tư nhân Phú Gia, UBND tỉnh giao cho Thanh tra tỉnh đề xuất biện pháp xử lý theo quy định.

UBND tỉnh cũng quyết định thu hồi 6 trong tổng số 7 quy hoạch "treo" phục vụ cho các dự án đầu tư, diện tích 262,2 ha, gồm: vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung (huyện Tiên Yên); khu dân cư đô thị khu 5 thị trấn Trới (huyện Hoành Bồ); khu dân cư đô thị Cặp Tiên 1; khu văn phòng nhà của chủ đầu tư là Công ty TNHH Việt Mỹ; khu đô thị Cặp Tiên 2 (huyện Vân Đồn) và khu dịch vụ giải trí tổng hợp phục vụ khu công nghiệp và cảng Cái Lân (TP.Hạ Long).

Riêng quy hoạch chi tiết khu du lịch và hạ tầng đỉnh núi Hạ Long ở khu vực đồi phía đông khu C, Bãi Cháy (TP.Hạ Long), UBND tỉnh đã đồng ý gia hạn đến hết tháng 12/2007.

56 dự án giải tỏa "treo", diện tích đất 990,27 ha, trong đó có 13 dự án đã bị thu hồi đều có thời gian thực hiện và bồi thường GPMB dài hơn so với phương án được duyệt. Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do phần lớn các hộ dân trong diện giải tỏa cho rằng giá bồi thường đất, cây cối, vật kiến trúc còn thấp so với thực tế nên không thực hiện bàn giao mặt bằng cho dự án.

Một số hộ dân vi phạm Luật Đất đai không được bồi thường cố tình khiếu kiện gây khó khăn cho chủ đầu tư. Một số hộ dân khác thì cho rằng, các dự án kinh doanh hạ tầng là của tư nhân không phải của Nhà nước, do đó có tư tưởng chủ đầu tư phải bồi thường theo giá thoả thuận do họ đặt ra; cơ chế chính sách bồi thường GPMB chưa đồng bộ.

Cùng với đó, cán bộ chính quyền ở một số địa phương chưa thấy rõ trách nhiệm của mình trong công tác bồi thường GPMB. Việc xác định nguồn gốc đất đai của hộ gia đình còn sai sót, dẫn đến khiếu kiện kéo dài, thậm chí một số nơi trở thành điểm "nóng".

Ngoài ra, chủ đầu tư một số dự án do năng lực tài chính hạn chế nên đã không thực hiện ngay việc chi trả cho các hộ dân khi phương án bồi thường GPMB đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với các dự án đã bị thu hồi đất, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có chủ trương xử lý cụ thể: trường hợp có các hộ dân nằm trong quy hoạch thì giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.

Những chủ đầu tư có tâm huyết và đủ năng lực tài chính muốn tiếp tục đầu tư phải có văn bản gửi UBND tỉnh xin huỷ quyết định thu hồi trước đây. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh sẽ giao cho các ngành chức năng và địa phương xác lập cùng chủ đầu tư để dự án đảm bảo tính khả thi cao.
 
Với những dự án không có khả năng thực hiện tiếp, tỉnh kiên quyết thu hồi theo đúng quy định.

Theo Bộ TN - MT