Những năm qua, công tác di dân, tái định cư ở Khu kinh tế Dung Quất được tỉnh Quảng Ngãi hết sức quan tâm nhằm đón đầu sự phát triển ở khu vực này.
Khu tái đinh cư tại xã Bình Trị, huyện Bình Sơn. |
Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập
Khu kinh tế (KKT) Dung Quất trên cơ sở KCN Dung Quất vào tháng 3/2005, tỉnh Quảng Ngãi xác định đẩy mạnh phát triển KKT Dung Quất là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quyết định tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển của tỉnh Quảng Ngãi.
Theo đó, tỉnh đã xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, tập trung vốn xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, trong đó công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư (TĐC) rất được quan tâm.
Để dành đất xây dựng các dự án quy mô lớn như: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, nhà máy đóng tàu, Nhà máy thép Guang Lian, Nhà máy Polypropylen, Nhà máy công nghiệp nặng Doosan,… đến nay, trên địa bàn KKT Dung Quất đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng gần 2.900ha đất, với trên 10.000 hộ được hỗ trợ, bồi thường, trong đó có 1.785 hộ phải đến nơi ở mới.
Đặc biệt, khi KKT Dung Quất được mở rộng đến 45.332 ha vào năm 2025 thì số hộ dân nằm trong vùng quy hoạch lên đến 225.000 hộ, do đó, tỉnh Quảng Ngãi xác định phải nỗ lực hơn nữa để thực hiện công tác này, phát triển đời sống của người dân sau khi thu hồi đất, TĐC đồng hành với sự đầu tư phát triển KKT Dung Quất.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất Dung Quất, thời gian qua, các hộ thuộc diện di dời, TĐC ở KKT Dung Quất đã có nhà ở và hạ tầng kỹ thuật trong các khu TĐC tốt hơn hẳn so với nơi ở cũ nhưng vẫn chưa đáp ứng được mong muốn nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ của bà con về mọi mặt, nhất là các khu TĐC phải có nơi sinh hoạt cộng đồng và các cơ sở dịch vụ thương mại. Hơn nữa, bình quân mỗi hộ dân chỉ được bố trí từ 200-300m đất để làm nhà và vườn, nên thiếu đất canh tác, cuộc sống còn nhiều khó khăn…
Ban Quản lý KKT Dung Quất cũng cho rằng, muốn tăng tốc đầu tư phát triển KKT Dung Quất thì ngoài việc có chính sách thu hút đầu tư, tập trung nguồn vốn, tạo môi trường hoạt động kinh doanh cần phải có chính sách tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, không chờ có dự án mới tiến hành giải phóng mặt bằng, đồng thời phải chủ động trong việc bố trí TĐC cho người dân, trong đó đảm bảo người có đất bị thu hồi được đề đạt nguyện vọng và tham gia đầy đủ quá trình này.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ ứng dụng lợi thế của công nghệ thông tin vào lĩnh vực TĐC, giảm thiểu tối đa sai sót; kiện toàn bộ máy tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, TĐC có đủ năng lực, đủ thẩm quyền để giải quyết tốt công việc.
DiaOcOnline.vn - Theo Website Chính Phủ