Quảng Bình muốn mở đường bay quốc tế

Cập nhật 18/09/2018 13:51

Chuyên gia hàng không khuyến cáo không thể cứ thấy khách nước ngoài tăng là xin mở đường bay quốc tế, mà phải tính toán rất kỹ để tránh lãng phí.

Gần đây, không ít địa phương có cảng hàng không (CHK) nội địa xin nâng cấp thành CHK quốc tế để đáp ứng nhu cầu khách du lịch nước ngoài gia tăng tại địa phương mình. Đồng thời, CHK quốc tế cũng mở ra cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao cuộc sống người dân. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng CHK quốc tế phải đáp ứng nhiều tiêu chí bắt buộc vì nếu không sẽ đầu tư lãng phí, trở thành gánh nặng cho địa phương.

Lo sân bay quá tải

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đề xuất xin nâng cấp và mở đường bay quốc tế đến sân bay Đồng Hới. Cơ sở để địa phương này đề xuất là ngoài số khách quốc tế đến Quảng Bình những năm gần đây tăng, dự báo vài năm nữa sẽ quá tải.

Cụ thể, CHK Đồng Hới hiện có diện tích 145 ha, được thiết kế đón 400.000 khách/năm, trong khi lượng khách đến Quảng Bình tăng khoảng 30% trong những năm gần đây sẽ dẫn đến quá tải trong vài năm tới.

Ngoài ra, Tập đoàn FLC đang đầu tư tại Quảng Bình nhiều dự án khu nghỉ dưỡng, sân golf có quy mô lớn để thu hút khách quốc tế đến nghỉ dưỡng, thám hiểm hang động… Cùng đó, với đề án thành lập hãng hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines), FLC đề xuất tỉnh Quảng Bình xin chủ trương của Bộ GTVT về đầu tư nâng cấp CHK Đồng Hới hiện nay thành CHK quốc tế theo hình thức đối tác công-tư (PPP).

Hành khách làm thủ tục lên máy bay tại sân bay nội địa Đồng Hới (Quảng Bình). Ảnh: AN NHIÊN

Coi chừng lãng phí

Là người hoạt động trong lĩnh vực du lịch khám phá, mạo hiểm tại Quảng Bình, ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Oxalis, đánh giá Quảng Bình hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đang là điểm đến của du khách trong nước và quốc tế với hơn 3 triệu khách/năm.

Theo ông Á, hiện lượng khách quốc tế đổ về Quảng Bình tiếp tục tăng, như vậy tính cung-cầu sản lượng khách đi/đến CHK Đồng Hới hội tụ tiêu chí để mở đường bay quốc tế. Tuy nhiên, để tiếp tục thu hút khách quốc tế ở địa phương này thì địa phương phải phát triển hạ tầng và các sản phẩm du lịch tương xứng mới duy trì lượng khách lâu dài.

9 là số CHK quốc tế hiện do Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, đầu tư, khai thác trong hệ thống 22 CHK cả nước. Chín CHK quốc tế này gồm: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Vinh, Cát Bi, Phú Bài, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ.

13 CHK nội địa gồm: Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Chu Lai, Đồng Hới, Nà Sản, Điện Biên và Thọ Xuân.

Ngoài ra, còn một sân bay tư nhân đầu tiên tại Việt Nam là sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) dự kiến đi vào hoạt động cuối năm nay.


PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, cho rằng việc nâng cấp sân bay nội địa lên sân bay quốc tế trước hết phải đạt nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn hàng không quốc tế quy định. Bởi vậy, nếu nói lợi thế có lượng khách du lịch đến Quảng Bình lúc này để nâng cấp, mở đường bay quốc tế thì cần phải tính toán nhiều yếu tố. Thứ nhất là phân tích và dự báo nhu cầu đi/đến sân bay Đồng Hới đạt mức bao nhiêu hành khách để xem xét nâng lên sân bay quốc tế. “Theo tôi, dự báo lượng khách phải tăng gấp 3-4 lần so với hiện tại và phải duy trì lâu dài…” - ông Tống nhấn mạnh.

Thứ hai, nếu nâng lên sân bay quốc tế đòi hỏi hạ tầng phải được đầu tư tương ứng, dĩ nhiên là rất lớn. Thứ ba, mở đường bay quốc tế cần đào tạo, bố trí đội ngũ an ninh hàng không, hải quan… để lo các thủ tục nhập cảnh rất bài bản. “Nếu không tính toán phương án đầu tư hạ tầng, đội ngũ nhân sự để làm các thủ tục thông quan, xuất nhập cảnh và các vấn đề về an ninh thì sẽ gây bất cập, lãng phí lớn” - TS Tống băn khoăn.

Theo đó, TS Tống đề xuất trước mắt, để đáp ứng nhu cầu khách quốc tế đến các địa phương có sân bay nội địa, cần tổ chức nối chuyến với các sân bay quốc tế trong nước hiện có. Sau đó đánh giá tần suất, lượng khách quốc tế đi/đến có nhiều không rồi mới tính đến phương án nâng cấp lên quốc tế. “Nên lưu ý, hiện bán kính hơn 200 km cách sân bay Đồng Hới đã có hai sân bay quốc tế là sân bay Vinh (Nghệ An) và sân bay Phú Bài (Huế) nên cần phải tính toán kỹ” - TS Tống nhấn mạnh.

Bộ GTVT: Nhiều tiêu chí ràng buộc

Theo Bộ GTVT, để nâng cấp CHK nội địa, mở đường bay quốc tế cần phải đáp ứng các tiêu chí ràng buộc như CHK đó đặt tại trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, du lịch quốc gia; có nguồn khách quốc tế lớn, duy trì lâu dài... Mặt khác, sân bay quốc tế phải đặt trong tổng thể quy hoạch mạng lưới sân bay quốc tế và nội địa để phát triển đồng bộ, chứ không thể vì lượng hành khách có nhích lên mà có thể nâng cấp lên được. Đề án nâng cấp CHK nội địa thành CHK quốc tế phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về đề xuất của UBND tỉnh Quảng Bình, Bộ GTVT cho biết hiện đã có chủ trương đầu tư và kế hoạch vốn cho việc nâng cấp CHK nội địa Đồng Hới. Tuy nhiên, để trở thành CHK quốc tế cần phải đánh giá kỹ.


DiaOcOnline.vn - Theo PLO