Quản lý thuế đất đai và bất động sản: Nhiều bất cập!

Cập nhật 28/05/2011 11:10


Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Thị trường đất và bất động sản (BĐS) đang là nguồn thu thuế đáng kể, nhưng có một thực tế là thuế suất thực cũng như số thu từ thuế đất đai và BĐS vẫn còn thấp.

Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2011 với chủ đề “Quản lý tài nguyên thiên nhiên” công bố mới đây đã nêu rõ những vấn đề về quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên Việt Nam, trong đó nổi lên nội dung tăng cường quản lý thuế đối với đất đai và BĐS.

Báo cáo nêu rõ, hiện ở Việt Nam chưa có cơ chế quản lý thuế BĐS dựa trên giá trị. Việc định giá bị ảnh hưởng đáng kể do thiếu bằng chứng về giao dịch mua bán, cũng như nhà nước chưa chú trọng sử dụng thuế đất đai làm công cụ chính sách để kiểm soát đầu cơ, đồng thời chưa xem xét đầy đủ những tác động chính sách đối với thị trường đất đai hay tài chính nhà nước nói chung.

Bên cạnh đó, việc sử dụng cơ chế định giá của nhà nước trong áp thuế, giao đất và đền bù đất bị thu hồi dẫn đến nhiều tranh chấp. Đất dùng cho phát triển cơ sở hạ tầng không phải nộp thuế, cũng như giá cho thuê đất của nhà nước khác xa so với giá cho thuê trên thị trường. Vì vậy, phần lớn ngân sách địa phương phải phụ thuộc vào tiền bán đất, chứ không phải tiền thu thuế đất và BĐS.

Mới đây, luật thuế đất phi nông nghiệp được quốc hội thông qua nhưng đến năm 2012 mới có hiệu lực. Các văn bản hướng dẫn luật này đang được soạn thảo.

Luật thuế đất phi nông nghiệp của Việt Nam hiện hành dường như đã đạt được mục tiêu tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, nhà ở và hiệu quả của sử dụng đất. Đặc biệt, luật này bảo đảm sao cho nhà nước có được hồ sơ, số liệu thuế cập nhật và chính xác, kể cả quỹ đất đối với mọi nhà ở, đất ở, đất khác và hạng mục được miễn trừ. Luật cũng khuyến khích các cấp chính quyền cố gắng bảo đảm thông tin luôn chính xác và được quản lý tốt, cho dù tái phân bổ thu nhập không phải là mục tiêu chính. Nội dung luật áp dụng rất đơn giản và dễ hiểu, chú trọng việc xây dựng công thức tính thuế cũng như các thủ tục định giá đất để áp dụng đại trà và đạt được sự chấp nhận rộng rãi trong dân chúng.

Tuy nhiên báo cáo cũng chỉ rõ, rằng còn tồn tại khả năng gây ra những méo mò kinh tế do theo đuổi mục tiêu đơn giản hóa, nhất là trong việc sử dụng giá đất do nhà nước quy định làm đơn vị định giá để tính thuế. Theo thông lệ quốc tế thì nên hướng tới một cơ chế trong việc định giá dựa trên giá trị thị trường đối với những thửa đất tương tự ở địa điểm tương tự, trên cơ sở hàng năm thay vì 5 năm một lần. Thị trường đất đai và giá trị thị trường có thể dao động đáng kể trong một năm. Cần bảo đảm việc sử dụng thu nhập từ thuế chủ yếu được phân về địa phương và phục vụ mục tiêu rõ ràng đối với người dân như phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ ở địa phương nhằm khuyến khích người đóng thuế và thu hút sự ủng hộ chính trị của người dân đối với chính sách thuế.

Đặc biệt, để bảo đảm triển khai hiệu quả luật phải làm rõ và tăng cường mối quan hệ giữa thuế đất và công tác tài chính nhà nước các cấp, cũng như việc duy trì hiệu quả và sự bền vững của thị trường đất đai chính thức phải được làm rõ và tăng cường.

Báo cáo cũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm triển khai luật thuế đất đai và BĐS được minh bạch, rõ ràng như:

Trong trung hạn, cần phải khai thác vai trò của thuế đất đai như là nguồn thu bền vững để tài trợ cho chính quyền địa phương và phát triển cơ sở hạ tầng địa phương, chú trọng hơn đến chức năng tái phân phối thu nhập trong công cụ thuế. Cần có những giải pháp khả thi để nhanh chóng thiết lập các dịch vụ định giá đất đai trên toàn quốc.

Về dài hạn, cần cân nhắc khả năng bãi bỏ mọi loại thuế chuyển nhượng đất đai, BĐS và áp dụng thuế đất hàng năm, có tính đến những tác động đối với thị trường đất đai.

DiaOcOnline.vn - Theo Tầm Nhìn