Ngoại trừ các chung cư cao cấp được quản lý bởi các Cty quản lý chuyên nghiệp, số còn lại đều trong tình trạng "cha chung không ai khóc".
Phổ biến nhất là tình trạng lấn chiếm, cơi nới, xả rác bừa bãi... Nói chung, chất lượng cuộc sống của người dân ở các chung cư, đặc biệt là các chung cư tái định cư không thể nói là tốt.
Mất tiền, nhưng không khỏi bực mình
Báo Lao Động ngày 25.3 đã có phản ánh về những bức xúc của những hộ dân sống trong 2 khu chung cư 86 Tản Đà, quận 5 và 243 Chu Văn An, quận Bình Thạnh. Trở lại câu chuyện của chung cư 243 Chu Văn An, theo phản ánh của người dân, mặc dù ở nhà của mình mà hàng tháng phải trả một khoản tiền lớn, chẳng khác gì tiền thuê nhà.
Một số hộ dân còn phản ánh, tại lầu 3, lô C có một hộ tổ chức bán phở. Những cư dân sống lân cận, quanh năm suốt tháng bị tra tấn bởi mùi phở, gọi ban quản lý chung cư giải quyết thì họ cũng bó tay bởi chủ nhà kinh doanh trong phạm vi căn hộ của mình.
Chung cư 41Bis Điện Biên Phủ - một thời là khu chung cư được xếp vào loại cao cấp; sau một thời gian đưa vào sử dụng, ban quản lý của chủ đầu tư rút đi nhường chỗ cho ban quản lý do dân bầu. Tuy nhiên, với cách quản lý bán chuyên nghiệp, trong chung cư bắt đầu xuất hiện tình trạng không ai bảo được ai, nhà nhà thi nhau bưng bít, che chắn cửa sổ bằng song sắt. Chỉ một thời gian ngắn, bộ mặt chung cư này đã bị xuống cấp.
Người viết bài này đã có lần trao đổi với một chuyên gia của một Cty quản lý bất động sản nước ngoài, hiện đang hoạt động trên địa bàn TPHCM về cách người nước ngoài quản lý chung cư. Theo chuyên gia này, cư dân khi mua căn hộ sẽ được phát một bảng nội quy chung cư dày trên 100 trang. Trong đó, quy định chi tiết điều gì được và không được làm. Chẳng hạn, từ 23h không được tắm vòi hoa sen, mở nhạc to...; không được sản xuất, kinh doanh trong những tòa nhà để ở... Ở TPHCM, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng cũng áp dụng mô hình quản lý kiểu này.
Chung cư tái định cư: buông tuồng
Chung cư 10A Trần Nhật Duật, quận 1 vốn là chung cư tái định cư, nhưng hầu hết cư dân hiện nay đều là những người mua lại. Sau khi quyền quản lý chuyển về cho người dân thì bắt đầu phát sinh hàng loạt vấn đề. Lúc đầu là chuyện một số hộ ở lầu 1 và lầu 2 không chịu đóng phí thang máy vì theo họ, ở lầu 2 cần gì đi thang máy, chỉ sử dụng thang bộ. Sau đó, những chuyện khác như cáp truyền hình bắt đầu được giăng mắc tùy hứng chứ không còn theo quy định như trước.
Tình trạng không ai bảo được ai là căn bệnh phổ biến ở các chung cư áp dụng kiểu quản lý "cây nhà lá vườn". Chung cư 1 Bis Nguyễn Đình Chiểu, quận 1 dành tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa trong dự án vệ sinh môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chỉ sau hơn 10 năm đưa vào sử dụng đã không còn giữ được hình thù ban đầu.
Đó là nói về phần "cứng", phần "mềm" của chung cư này còn khủng khiếp hơn nữa. Buổi sáng, thì hầu như toàn bộ vỉa hè trong khu chung cư biến thành chỗ bán hàng ăn sáng, lòng đường biến thành chỗ đậu xe. Từ 8 giờ đến 11 giờ là thời gian hoạt động cao điểm của các quán càphê ở tầng trệt, nhạc được mở to hết cỡ cộng hưởng với tiếng ồn của các cơ sở sản xuất đủ loại thực sự biến cả khu chung cư thành một công trường...
Công năng chính của các khu chung cư là nơi sinh sống, nơi hồi phục sức lao động. Trên thực tế, do công tác quản lý thiếu chuyên nghiệp, nhiều chung cư đã bị biến tướng thành cái chợ, công trường, nhà máy đúng nghĩa. Những cư dân sống trong đó có thể vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân. Chất lượng cuộc sống của cư dân chung cư vì thế không thể nói là tốt được.
>Phí quản lý chung cư được bật đèn xanh để tăng cao
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động