Trong nhiều số báo vừa qua, Thanh Niên đã phản ánh một loạt vấn đề về tình trạng tranh chấp giữa người dân sống ở các chung cư với chủ đầu tư về diện tích sở hữu chung; tại sao các chủ đầu tư không chịu làm giấy chủ quyền cho người dân như đã cam kết?...
Những vấn đề này nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả vì xu hướng sử dụng căn hộ chung cư ngày càng nhiều. Chỉ trong một tòa nhà chung cư đã có đến vài trăm hộ dân với hàng ngàn người cư ngụ, mà TP.HCM thì hiện đã có hàng trăm chung cư mọc lên ở hầu khắp địa bàn, nhất là các quận nội thành.
Theo Điều 70 của Luật Nhà ở và Điều 4 của Quyết định 08 do Bộ Xây dựng ban hành, phần diện tích sở hữu chung gồm có nhiều hạng mục, trong đó có nhà để xe. Điều đó có nghĩa, người dân sống ở chung cư chỉ phải trả tiền cho người giữ xe chứ không phải thuê chỗ để xe. Thế nên, thật kỳ lạ khi chủ đầu tư của cao ốc Mỹ Vinh (Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM) lại thu tiền ký quỹ chỗ để xe hơi lên đến 25.000 USD/chiếc. Không chỉ chỗ để xe, nhiều khu chung cư khác còn sử dụng phần diện tích sở hữu chung như phòng sinh hoạt cộng đồng, nhà trẻ, thư viện… cho các đơn vị khác thuê. Và cách tận thu này đã dấy lên một làn sóng phản đối từ những cư dân ở chung cư.
Ông Đỗ Phi Hùng - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM -cho rằng, để phân biệt phần sở hữu chung hay riêng, thì phải xác định 2 loại chung cư. Thứ nhất, nếu chung cư được xây dựng từ ngân sách nhà nước thì phần sở hữu chung đó phải được bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý và khai thác nhằm mục đích phục vụ trở lại cho cư dân sống ở khu chung cư. Thứ hai, nếu chung cư được xây dựng bằng tiền tư nhân để kinh doanh thì việc xác định phần sở hữu chung phải căn cứ vào phương án kinh doanh của công ty, phần xây dựng diện tích chung đó có phân bổ vào giá bán của từng căn hộ hay không. Nếu có phân bổ vào giá bán thì diện tích đó phải thuộc cộng đồng, còn nếu không phân bổ vào giá bán thì phần diện tích đó tất nhiên sẽ thuộc vể chủ đầu tư. Thế nhưng khi có tranh chấp, cơ quan nào sẽ đứng ra kiểm tra phương án kinh doanh của các công ty này để có cách xử lý phù hợp?
Thông thường, tại các hợp đồng mua bán căn hộ, người mua chỉ nộp 95% tổng giá trị căn hộ, 5% còn lại sẽ đóng tiếp sau khi chủ đầu tư giao giấy chủ quyền. Song vì nhiều lý do, một số chủ đầu tư vẫn không chịu làm hoặc vì vướng mắc nào đó, không muốn làm thủ tục cấp giấy chủ quyền cho khách hàng của mình. Rà soát lại các văn bản, các phòng chức năng của Sở Xây dựng TP.HCM cho biết: "Chưa có quy định nào chế tài các chủ đầu tư không thực hiện cam kết làm giấy chủ quyền cho người dân tại các khu chung cư". Có nghĩa là, các chủ đầu tư cứ "vô tư" vi phạm hợp đồng, cơ quan chức năng là Sở Xây dựng thì khuyên "người dân nên kiện ra tòa". Nhưng, để theo đuổi một vụ kiện là điều đâu phải đơn giản.
Những bức xúc của người dân sống ở chung cư cho thấy hiện vẫn còn lỗ hổng rất lớn về mặt pháp lý cũng như sự lúng túng trong cách xử lý của các cơ quan nhà nước. Trong khi đó, Điều 24 Luật Nhà ở (có hiệu lực từ 1.7.2006) quy định đối với đô thị đặc biệt (TP.HCM, Hà Nội), tại các dự án phát triển nhà ở phải có tối thiểu 60% diện tích sàn là nhà chung cư. Theo đó, chung cư sẽ phát triển ngày càng nhiều, vì vậy rất cần một hệ thống văn bản pháp lý chặt chẽ để áp dụng trong việc quản lý và xử lý mỗi khi có vụ việc tranh chấp, khiếu nại xảy ra.
>Chủ đầu tư phải nộp phí quản lý chung cư
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên