Giấy phép xây dựng sai thẩm quyền sẽ bị hủy nhưng các chủ đầu tư vẫn xin. Trước đây, bảy tỷ đồng có thể xây dựng 4.000 m2 nhưng nay chỉ xây được 1.000 m2, chẳng lẽ vẫn phải lên Sở Xây dựng xin giấy phép?
Vừa qua, Báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh cao ốc 102 Cống Quỳnh (quận 1, TP.HCM) có giấy phép xây dựng do UBND quận 1 cấp sai thẩm quyền. Sau đó, giấy phép này đã bị hủy bỏ, chủ đầu tư muốn xin giấy phép xây dựng khác thì phải liên hệ Sở Xây dựng TP. Mới đây, cao ốc 175 Lý Chính Thắng (quận 3, TP.HCM) cũng rơi vào sự cố tương tự.
Nhanh gọn, đơn giản hơn
Một cán bộ Sở Xây dựng cho biết việc nhầm lẫn thẩm quyền trong cấp phép xây dựng như trên là không hiếm. Bình thường, một công trình do quận hay Sở cấp phép thì ít ai để ý là đúng hay sai thẩm quyền. Thanh tra xây dựng phường và quận chỉ quan tâm công trình có giấy phép, có xây dựng sai phép không. Quận chỉ báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm cho Sở về tổng diện tích sàn xây dựng do quận cấp chứ ít khi gửi một danh sách cụ thể cấp cho ai, quy mô thế nào.
Vấn đề là tại sao nhà đầu tư thích quận? Theo một số chủ đầu tư, có quận như Phú Nhuận khá thoáng trong việc cấp phép xây dựng cho công trình cao ốc văn phòng. Nếu công trình cao ốc cỡ ba, bốn ngàn mét vuông, chẳng hạn một cao ốc ở đường Phan Xích Long, quận vẫn cấp phép xây dựng luôn.
Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Đất Lành cho biết các chủ đầu tư thích chọn quận cấp phép xây dựng vì thủ tục nhanh gọn, đơn giản. Nếu lên Sở Xây dựng xin cấp phép thì phải qua bước thẩm định thiết kế, phải liên hệ với nhiều sở, ngành khác như môi trường, phòng cháy chữa cháy, quy hoạch..., khó khăn hơn nhiều. Một cán bộ Sở Xây dựng TP cũng thừa nhận điều này. Chẳng hạn yếu tố quy hoạch, Sở không lập, không phê duyệt quy hoạch nên nội dung, định hướng điều chỉnh ra sao thì Sở phải hỏi lại quận.
Công trình nhỏ nhưng đồ xịn: Phải lên Sở?
Cơ sở để phân định thẩm quyền cấp phép xây dựng giữa Sở Xây dựng và UBND cấp quận đang bị các quận, huyện và chủ đầu tư phản đối vì bất hợp lý. Luật quy định công trình có tổng mức đầu tư trên bảy tỷ đồng phải được Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở và cấp phép xây dựng. Còn dưới bảy tỷ đồng và nhà ở riêng lẻ thì quận cấp phép xây dựng. “Điều này rất dễ lạc hậu. Trước đây, bảy tỷ đồng có thể xây dựng 4.000 m2 nhưng hiện nay nó chỉ có thể xây được 1.000 m2. Hoặc một công trình nhỏ nhưng dùng hàng xịn nên vốn đầu tư cao thì chẳng lẽ phải qua Sở Xây dựng cấp phép như một công trình lớn?” - ông Đực hỏi.
Sở Xây dựng cũng nhận thấy điều bất hợp lý trên nên cho rằng chỉ tính tương đối thôi. Chẳng hạn như công trình có vốn đầu tư cao hơn chút đỉnh (7,1 tỷ đồng? - PV) thì quận cấp phép xây dựng cũng được. Lẽ ra nhà nước nên phân định thẩm quyền cấp phép căn cứ vào quy mô công trình, diện tích sàn xây dựng là dễ thực hiện và hợp lý nhất. Lúc đó, các bên không phải mất công ngồi tính toán xem công trình này có vốn đầu tư bao nhiêu và giải quyết những bất cập do biến động giá. Được biết, vấn đề này đã được đề xuất sửa đổi nhưng vẫn chưa có kết quả do đang chờ điều chỉnh các nghị định hiện hành về cấp phép xây dựng để cập nhật luôn.
Khác thẩm quyền, nội dung vẫn vậy
Theo một chuyên gia trong ngành xây dựng, việc quận hay Sở Xây dựng cấp phép xây dựng thật ra chỉ sai về hình thức (tức thẩm quyền cấp), còn nội dung giấy phép thì không khác nhau là mấy. Thẩm định thiết kế cơ sở cũng chỉ là một thủ tục theo luật, khuyến cáo thêm cho chủ đầu tư một ít về phần móng chứ không giúp ích nhiều cho công trình.
Để thi công công trình an toàn, quan trọng nhất là thiết kế thi công chứ không phải giấy phép xây dựng. Chủ đầu tư cùng các đơn vị tham gia xây dựng chịu trách nhiệm chính trong việc bảo đảm an toàn. Do đó, thu hồi giấy phép xây dựng cấp sai thẩm quyền là không cần thiết mà chỉ khiến chủ đầu tư khổ sở thêm trong khi họ không có lỗi trong việc được cấp phép đó.
Ông Quách Hồng Tuyến - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP cho rằng những công trình lập dự án, tức quy mô khá lớn, cần phải được quản lý chặt chẽ hơn. Đó là vai trò của thẩm định thiết kế. Ông Tuyến cũng băn khoăn với việc xử lý những giấy phép xây dựng bị cấp sai thẩm quyền. “Việc cấp phép sai thẩm quyền trước tiên là do lỗi của cơ quan nhà nước. Nhà nước sai rồi thu hồi, hủy bỏ, còn doanh nghiệp phải tự ôm hồ sơ đi làm lại thủ tục thì có hợp lý không?” - ông Tuyến bày tỏ. Ông Tuyến cho biết Sở Xây dựng đang xin ý kiến UBND TP về vấn đề này.
Theo Pháp Luật TP