Quận 2: Mỏi mòn chờ tái định cư!

Cập nhật 22/04/2008 14:00

Nhiều hộ dân phường Cát Lái, Q2 suốt mấy chục năm gắn bó với khu vườn, mảnh đất bỗng trở thành những người vô công rỗi nghề, không biết lấy gì để sinh sống. Bị thu hồi đất với giá đền bù thấp trong khi việc bố trí tái định cư kéo dài hơn 4 năm vẫn còn nằm trên giấy khiến cuộc sống của người dân càng lâm vào ngõ cụt...

Đầu năm 2003, UBND Q2 ra thông báo thu hồi đất của nhiều hộ dân thuộc P. Cát Lái để thực hiện dự án mở rộng kho bãi phục vụ di dời cảng. Mức giá hỗ trợ bồi thường cho mỗi mét vuông đất là 150.000 đồng. Những người dân quanh năm chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, gia đình nào cũng đông con cháu, lại chủ yếu sống nhờ vào nghề làm ruộng, nay bị thu hồi đất không biết sẽ bươn chải ra sao. Dù giá đền bù quá thấp trong khi “tấc đất tấc vàng” nhưng người dân đã chấp hành chủ trương của nhà nước.

Gần 4 năm trôi qua, những cánh đồng ruộng mênh mông đã biến thành nền đất cao. Nhiều người dân cũng mỏi mòn, héo hắt khi trông chờ vào căn hộ tái định cư mà trước đó UBND Q2 đã chấp thuận. Xa cái nghề nông bao đời gắn bó, người dân bắt đầu tập làm quen với việc kiếm sống bằng nhiều nghề bấp bênh như phụ hồ, bốc vác, làm thuê làm mướn... Cuộc sống của họ ngày càng khó khăn hơn.



Bà Đoàn Thị Bảy bên căn nhà tạm của mình.


Trong căn nhà tạm, sắp bị mối mọt ăn thủng, bà Đoàn Thị Bảy (SN 1953) buồn bã cho biết: Gia đình có hơn 2.700m2 đất ruộng, cuộc sống không khá giả nhưng cũng chưa đến nỗi nào. Bị thu hồi đất với giá đền bù quá thấp, cả nhà ai cũng lo lắng không biết sẽ sống ra sao. Bà Bảy ngậm ngùi: “Ông nhà qua đời, đang túng thiếu lại tốn tiền lo ma chay, chôn cất nên càng khổ hơn. Đã lớn tuổi nhưng tôi phải đi làm nhân viên vệ sinh kiếm ít tiền nuôi đứa con bị tâm thần và chăm lo cho đứa cháu tội nghiệp. UBND Q2 hứa sẽ bố trí nhà tái định cư nhưng chúng tôi chờ đợi mấy năm rồi vẫn im thin thít!”.

Ông Phan Văn Tường (SN 1934, con liệt sĩ) bày tỏ: “Ban đầu tôi không muốn giao diện tích đất ruộng 3.739m2 đang canh tác cho UBND Q2 vì nghĩ giá đền bù thấp như vậy, sau này chúng tôi sẽ xoay xở sao đây? Bị cưỡng chế nhưng sau đó tôi cũng đành chấp thuận. Không việc làm, nhận hơn 560 triệu đồng tiền đền bù, chúng tôi dùng vào việc chi tiêu hàng ngày. Giờ tôi cũng chỉ mong nhận được căn nhà tái định cư và một số tiền hỗ trợ để ổn định cuộc sống...”.

Lâm vào hoàn cảnh khó khăn, ông Nguyễn Văn Tòng bức xúc: “Đã 18 năm canh tác trên diện tích 11.769m2 đất ruộng, gia đình tôi gồm 13 nhân khẩu cũng đủ sinh sống qua ngày. Đùng một cái đất bị thu hồi với giá đền bù quá thấp. Cả đời chỉ gắn bó với nghề nông nên gia đình chúng tôi phải lao đao. Không còn ruộng đất để canh tác, cũng chẳng có việc làm ổn định, đã nhiều năm trôi qua số tiền nhận được từ việc đền bù thoáng cái cũng hết sạch, cả nhà tôi đã phải cầm cố mọi thứ có giá trị để chi dùng trong cuộc sống. Căn hộ tái định cư vẫn còn trên giấy, chúng tôi biết sống sao đây?”...

Theo lời tâm sự của nhiều người dân thì khi nghe tin nhà nước có chỉ định tăng thêm 180 ngàn đồng/m2 trong việc đền bù đất nông nghiệp ở quận 2, bà con P. Cát Lái rất vui mừng, phấn khởi. Họ hy vọng nhờ đó mà cuộc sống sẽ được cải thiện chút đỉnh. Nhưng cho đến nay, mọi người chỉ biết than ngắn thở dài vì chưa nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào, còn nhà tái định cư thì tiếp tục chờ...

Việc giao đất cho chính quyền thực hiện dự án của nhiều hộ dân P. Cát Lái là rất đáng biểu dương. Chính sách chung của Đảng và nhà nước là không để cho người dân bị mất đất làm dự án rơi vào hoàn cảnh nghèo khó, túng cùng. Nguyện vọng của người dân là chính đáng, đề nghị chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ đúng mức, kịp thời đề hàng chục hộ dân ổn định cuộc sống.

Theo Công An TP.HCM