Quận 12 thu hẹp nhiều khu công nghiệp

Cập nhật 13/03/2008 11:00

Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp từ 251 ha chỉ còn 29 ha, phần đất dôi ra sẽ thành khu dân cư xen cài.

Cùng với nhiều quận, huyện khác, quận 12 và Tân Phú đang gấp rút xóa nhiều quy hoạch “treo”. Nếu quận 5, quận 6 thực hiện việc này mau chóng, suôn sẻ thì quận 12 đang gặp nhiều vướng mắc khó tháo gỡ trong ngày một, ngày hai.

Thu hẹp nhiều khu quy hoạch công nghiệp

Quận 12 có 11 đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000. Quận này đã hoàn thành được bảy đồ án, bốn đồ án còn lại đang trong thời gian hoàn chỉnh để trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định. Có điều do chưa được duyệt đồ án quy hoạch 1/5000 nên quận chưa thể định hình được mạng lưới hạ tầng cơ bản.

Ngoài ra, một số đồ án khác còn bị vướng quy hoạch giao thông theo Quyết định 101 ngày 22-1-2007 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện UBND TP đã cho phép quận kéo dài thời hạn hoàn thành quy hoạch 1/2000 để chờ bản đồ giải thửa của ngành giao thông.

Trong việc xóa quy hoạch “treo”, quận sẽ căn cứ vào thực tế đất sử dụng trên địa bàn để điều chỉnh một số quy hoạch không khả thi. Quận chuyển dần diện tích cây xanh từ công viên lớn vào các khu dân cư xây dựng mới; quy hoạch những khu vực đất quân đội đã được chuyển giao cho quận thành khu dân cư hoặc công trình phục vụ công cộng. Một số quy hoạch công trình công cộng trước đó sẽ được điều chỉnh sang vị trí khác.

Theo dự kiến, quy hoạch khu cây xanh 250 ha thuộc phường Thạnh Xuân và một phần phường Thới An sẽ được thu hẹp lại, chỉ còn khoảng 150 ha. Với khoảng 100 ha còn lại, quận sẽ quy hoạch thành khu dân cư với đường giao thông, trường học, chợ và các công trình khác phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Một khu quy hoạch công nghiệp lớn cũng được điều chỉnh trong đợt này là Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp rộng 251 ha.

Do không còn khả thi trên thực tế nên quận đã xin ý kiến của các cơ quan chức năng để thu hẹp khu quy hoạch này (còn 29 ha). Ở phần đất dư ra, quận sẽ giữ lại những phần công nghiệp hiện hữu và lập quy hoạch khu dân cư xen cài công nghiệp.

Thay nhà xưởng bằng nhà cao tầng

Trước kia, quận Tân Phú lập quy hoạch trên bản đồ cũ, độ chính xác không cao khiến các khu dân cư bị chia nhỏ bởi nhiều tuyến đường hiện hữu và đường dự phóng. Tháng 7-2007, quận này đã hủy bỏ nhiều quy hoạch “treo” đường dự phóng.

Lần điều chỉnh này, quận sẽ điều chỉnh một số khu cây xanh ven kênh nước đen thành khu dân cư (có chỉnh trang). Quy hoạch Khu công nghiệp Tân Bình mở rộng cũng được hủy bỏ, thay vào đó quận sẽ chỉnh trang, xây dựng khu dân cư.

Theo dự kiến, khu vực nhà xưởng của các công ty tại các phường Hòa Thạnh, Tân Thới Hòa và Hiệp Tân (thuộc diện phải di dời ra ngoại thành) sẽ được giao lại cho các công ty đó để đầu tư thành nhà ở cao tầng, nâng cao hệ số sử dụng đất. Sau khi các dự án cao tầng hoàn thành, các công ty này sẽ bán một phần cho quận để làm nhà tái định cư cho các dự án chỉnh trang đô thị.

Trước mắt, những khu vực này chưa có quy hoạch cụ thể, người dân vẫn được thực hiện đầy đủ các quyền về nhà, đất. Sau khi có quy hoạch cụ thể, quận sẽ có những chính sách di dời, tái định cư phù hợp để tránh xáo trộn đời sống của người dân.

Lấy ý kiến dân bằng cách nào?

Trước đây, khi lập quy hoạch, Sở Quy hoạch - Kiến trúc chỉ lấy ý kiến của UBND cấp quận. Nay theo quy định mới, các quận, huyện phải lấy ý kiến của dân rồi mới được lập quy hoạch. Qua đó nhà nước nắm bắt được nguyện vọng của người dân, huy động được ý kiến của những trí thức vào việc lập quy hoạch.

Khi đó, người dân sẽ hiểu thêm về cách làm quy hoạch và nắm bắt được nhiều thông tin liên quan, hạn chế kiểu sau một đêm ngủ dậy, đất ở thành đất giao thông, đất cây xanh, trường học...

Tuy nhiên, nhiều quận đang “rên rỉ” về thủ tục lấy ý kiến này, vì phần lớn ý kiến nhận được đều phản đối việc quy hoạch. Một cán bộ ở quận Gò Vấp cho biết sau khi công bố công khai quy hoạch dự kiến, quận này toàn nhận được những thư góp ý kiểu như nên mở đường sang hướng khác vì nhà tôi đã có “giấy hồng”, đã ở yên ổn trên mười năm; đừng quy hoạch khu nhà tôi thành khu công viên... Quận Tân Phú cũng chưa nhận ý kiến nào có chất lượng.

Thậm chí nhiều quận còn nhận được thư khiếu nại của một số hộ dân về những nội dung quy hoạch theo dự kiến. Để được việc, nhiều quận đã nhờ các phường tổ chức lấy ý kiến của các đoàn thể và đại diện khu phố, tổ dân phố.

Quy hoạch nào phải lấy ý kiến của toàn thể người dân hay của đại diện nhân dân, mức độ tham khảo ý kiến khi thẩm định quy hoạch ra sao? Do chưa có hướng dẫn cụ thể về việc này nên cả chính quyền lẫn người dân đều chưa biết đường nào mà lần.

Theo Pháp Luật TP.HCM