Quá lãng phí siêu dự án tỷ đô bỏ hoang ở Lạng Sơn

Cập nhật 11/09/2018 13:30

Với quy mô diện tích Dự án lên tới 180 ha, khối lượng xây dựng hàng trăm tòa nhà biệt thự đã triển khai có thể khẳng định khối tài sản xã hội đang nằm đọng tại đây lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng.

Dự án Trung tâm thương mại Việt – Trung với tổ hợp Sân Golf - Khách sạn Hoàng Đồng Lạng Sơn nằm trên mặt tiền đại lộ 1A - Thị trấn Cao Lộc, thuộc khu kinh tế Lạng Sơn, với diện tích quy hoạch toàn khu là 186 ha và tổng vốn đầu tư lên tới 2 tỷ USD, một thời từng được quảng bá là siêu Dự án mang lại nhiều kì vọng thúc đẩy phát triển KTXH địa phương. Tuy nhiên, sau khi đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng, dự án bỗng dưng bị “đắp chiếu” để lại nhiều hệ lụy… 

Sớm nở, tối tàn!

Từ Quốc lộ 1 vào cửa ngõ Thị trấn Cao Lộc, Lạng Sơn, những dãy nhà bê tông cốt thép chưa hoàn thiện mốc đen theo thời gian. Cỏ dại mọc cao lút đầu người.


Sau khi đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng, dự án bỗng dưng bị “đắp chiếu”

Bên trong dự án, những dãy nhà nằm xếp hàng, có đường nội bộ tuy nhiên không một bóng người. Người ta nhầm tưởng như đang lạc vào một mô hình phim trường được dựng lên.

Rất nhiều nhà đầu tư thứ cấp đã ngậm đắng nuốt cay nhiều năm qua, do dự án “chết yểu”, trong số đó, có nhiều nhà đầu tư đến từ Hà Nội, nhiều tiểu thương buôn bán, kinh doanh ở chợ đầu mối Long Biên…

Được biết Dự án này do CTCP Quốc tế Lạng Sơn làm chủ đầu tư và đã khởi công từ năm 2010. Quần thể Dự án Sân Golf Khách sạn Hoàng Đồng Lạng Sơn bao gồm: Trung tâm thương mại quốc tế 50.000m2; Khách sạn thương mại và Casino Lạng Sơn: 3 tòa; Khách sạn, chung cư cao cấp: 6 tòa; Cao ốc văn phòng cho thuê 10 tòa nhà

Khu biệt thự nghỉ dưỡng sân Golf 300 căn, trung bình diện tích mỗi căn từ 300-400m2, ngoài ra còn có của hàng, sân golf 18 lỗ, khu vui chơi giải trí với diện tích hơn 70 ha, công viên cây xanh,...

Thời điểm đó, đại diện chủ đầu tư - ông Lâm Bảo Kỳ - Tổng GĐ Công ty Cổ phần Quốc tế Lạng Sơn (người Đài Loan) cho biết, để thực hiện dự án, công ty này bắt tay hợp tác với các đối tác đến từ Trung Quốc, Mỹ và Đài Loan.

Gần 10 năm trước khi mới triển khai Dự án, giá bán một căn biệt thự xây thô tại đây từ 4 – 6 tỷ đồng, với khoảng 240 căn biệt thự xây thô đã hoàn thành. Ngoài ra, hàng ngàn căn shop-house được mở bán, với kỳ vọng sẽ là trung tâm thương mại lớn nhất bên trong nội địa, chỉ cách cửa khẩu Hữu nghị chừng 30km.


Cỏ dại mọc um tùm

Thế nhưng, trái ngược với những hình ảnh quảng bá, dự án đã nằm im lìm như một khối hoang tàn gần chục năm qua chưa biết ngày nào hoạt động trở lại, do nguyên nhân khách quan, chủ đầu tư chính bị bệnh và đã chết trong quá trình thi công dự án.

Họa vô đơn chí, người tiếp quản dự án, không biết vì lý do gì cũng bị chết đột ngột giữ chừng. Không có nhà điều hành, dự án lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Khoảng 6 – 7 năm trở lại đây, dự án không có bất kỳ một hoạt động gì cho thấy đang được triển khai xây dựng. 

Hệ lụy

Ông Vũ Hoài Vũ - Giám đốc Công ty Netreal cho biết, giai đoạn I, Công ty chính thức ra mắt thị trường 240 căn (đã xây thô và có sổ đỏ). Công ty Cổ phần Đầu tư và Môi giới Bất động sản Netreal Vietnam (Netreal) là đơn vị được Chủ đầu tư Công ty Cổ phần Quốc tế Lạng Sơn ủy quyền phân phối độc quyền dự án này. Đến nay, Công ty đã bán được gần 20 căn biệt thự với giá trung bình từ 4-6 tỷ đồng/căn (đã bao gồm xây thô bề mặt ngoài). Có nghĩa là, đã có 20 nhà đầu tư đã ném tiền vào dự án hàng chục năm qua chưa nhìn thấy cơ hội thu hồi vốn.


Ảnh: K.C

Theo tìm hiểu của phóng viên, số tiền mà chủ đầu tư “rót” vào dự án, với những hiện trạng của các hạng mục hiện tại, cũng lên tới 40 – 50 triệu USD. Số tiền này một phần là vốn của Chủ đầu tư, một phần là vốn huy động, liên doanh liên kết, một phần là vốn vay ngân hàng….

Với quy mô diện tích Dự án lên tới 180 ha, khối lượng xây dựng hàng trăm tòa nhà biệt thự đã triển khai có thể khẳng định khối tài sản xã hội đang nằm đọng tại đây lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng.

Đành rằng nguyên nhân dẫn đến việc đình trệ của Dự án là hoàn toàn khách quan nhưng việc tái khởi động lại Dự án là cần thiết. Không thể cứ mãi bỏ hoang một dự án lớn của tỉnh, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Ảnh hưởng đến quy hoạch, đến sự kết nối giữa các đô thị trong quy hoạch của địa phương. Thiết nghĩ, tỉnh Lạng Sơn cần xem xét lại pháp nhân của Cty CPQT Lạng Sơn còn có đủ năng lực nữa hay không và sớm có giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy tiến độ hoàn thành Dự án, giảm thiểu thiệt hại cho các nhà đầu tư, tránh tổn thất xã hội.
DiaOcOnline.vn - theo Báo Nông Nghiệp