Riêng Quận Ba Đình (Hà Nội) hiện có 12 dự án nhà chung cư cũ cần cải tạo, xây mới, song lại gặp quá nhiều khó khăn do chưa giải được bài toán kinh tế.
Khu tập thể Nguyễn Công Trứ sẽ được xây mới. Ảnh: THU VĂN |
Đó là quyền lợi chủ đầu tư, cải thiện diện tích ở cho người dân, đồng thời hạn chế tăng dân số tại những khu vực này.
Khó chồng khó
Những dự án chung cư cần cải tạo trên địa bàn quận Ba Đình gồm: A1, A2, A3, A4, A5, B1, B2, B3, B4, C5, C6, C8, D3, D4, D1, D6, D5. Trong số đó, nhà B2, B3 và B5 do Cty CP tư vấn đầu tư và xây dựng Ba Đình làm chủ đầu tư đang đề nghị điều chuyển nhiệm vụ cho Cty CP Tập đoàn địa ốc Viễn Đông.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, chất lượng tại khu tập thể Giảng Võ hiện không đáp ứng yêu cầu sử dụng. Thời gian qua, sở đã tổ chức di chuyển để phá dỡ, xây lại một số nhà nguy hiểm cấp D.
Theo đó, nhà C7 đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến đưa vào sử dụng trong quý II/2013. Nhà B6 đang trong giai đoạn thi công phần ngầm và hoàn thiện hồ sơ cấp phép xây dựng, nhà D2 hiện đã tổ chức di chuyển 102/114 hộ gia đình. Cũng theo Sở Xây dựng, đến nay các đơn vị vẫn chưa thỏa thuận được các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc sơ bộ với các dự án nói trên do hàng loạt khó khăn.
Theo quy định tại Nghị quyết số 34 của Chính phủ và Quyết định số 48 của UBND TP, việc cải tạo chung cư cũ được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, đảm bảo đáp ứng đủ quỹ nhà cho tái định cư tại chỗ, đồng thời nhà đầu tư được khai thác dự án để tự cân đối tài chính.
Tuy nhiên, theo quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt thì khu vực lõi đô thị thuộc 4 quận nội thành cũ cần phải giảm mật độ dân số từ 1,2 triệu xuống còn 0,8 triệu người, trong khi đó các khu chung cư cũ tập trung chủ yếu tại khu vực này. Do vậy, việc giải bài toán kinh tế, cân đối tài chính cho chủ đầu tư, đồng thời cải thiện diện tích ở cho người dân, hạn chế tăng dân số tại những khu vực này là khó khả thi.
Phó GĐ Sở Xây dựng - ông Nguyễn Quốc Tuấn - cho biết, hiện nay đang phát sinh nhiều ý kiến của người dân, đặc biệt là đòi hỏi về quyền lợi như diện tích nhà tái định cư, các khoản kinh phí hỗ trợ... Trong quá trình thực hiện việc GPMB, một số hộ cố tình không bàn giao mặt bằng, đưa ra những đòi hỏi không hợp lý, không phù hợp với các quy định của pháp luật, mặc dù dự án phá dỡ, cải tạo các chung cư cũ đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận và được trên 2/3 số hộ đồng thuận di dời.
Quy hoạch đồng bộ khu tập thể Thành Công, Thượng Đình, Nghĩa Tân
Theo Sở Xây dựng, đến nay, liên danh Cty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội và Tổng Cty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội đã chỉnh sửa đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 cải tạo, xây lại đồng bộ các công trình HTKT, HTXH, các nhà chung cư cũ tại khu tập thể Giảng Võ theo định hướng quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đồ án này hiện trong quá trình thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo chỉ đạo mới nhất của Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, Sở Quy hoạch Kiến trúc khẩn trương kiểm tra, nghiên cứu, thẩm định đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 cải tạo, xây lại các nhà chung cư cũ tại khu tập thể Giảng Võ, báo cáo UBND TP theo quy định. Ngoài ra, Sở Quy hoạch Kiến trúc cũng được giao chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng lên kế hoạch, tiến độ, biện pháp đôn đốc, hướng dẫn việc nghiên cứu quy hoạch đồng bộ tại các khu tập thể Thành Công, Thượng Đình, Nghĩa Tân... và cung cấp, công khai thông số quy hoạch cho từng khu vực cải tạo chung cư cũ, báo cáo TP trong tháng 11.2012.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động