Trong bối cảnh bùng nổ cao ốc văn phòng, chung cư, trung tâm thương mại tại Việt Nam thì xây dựng các “tòa nhà xanh” là giải pháp tốt nhất để giúp tiết kiệm năng lượng
Khách sạn Caravelle, tòa nhà được đánh giá là tiết kiệm năng lượng hiệu quả cao. Ảnh: ECC-HCMC |
Những nghiên cứu được công bố gần đây cho thấy các tòa nhà (công sở, văn phòng, khách sạn, chung cư...) ở Việt Nam là đối tượng chủ yếu tiêu thụ năng lượng thương mại, dịch vụ và dự báo trong vòng 10 năm tới sẽ tăng lên gấp nhiều lần.
Thất thoát năng lượng lớn
Theo Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (TKNL) TPHCM (ECC-HCMC, trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TPHCM, khái niệm “tòa nhà xanh” được hiểu là những tòa nhà đạt chuẩn về sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm sự tỏa hơi do hiệu ứng nhà kính, bảo toàn nguồn nước, chống ô nhiễm tiếng ồn, không khí, đất và ánh sáng. Hiệu quả của những “tòa nhà xanh” là giúp làm giảm mức tiêu thụ điện, nguồn nước, giảm rác thải...
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc ECC-HCMC, cho biết tỉ lệ sử dụng năng lượng trong các tòa nhà ở Việt Nam chiếm từ 35% đến 40% tổng năng lượng tiêu dùng và trong những năm tới, con số này còn tăng cao hơn nữa.
Khảo sát các công trình cao tầng tại các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM cho thấy năng lượng sử dụng trong các tòa nhà, công trình cao tầng là rất lớn nhưng không hiệu quả và không kiểm soát được. Đa số được thiết kế theo phong cách nước ngoài, không phù hợp với điều kiện khí hậu tự nhiên ở Việt Nam.
Gần đây, có khuynh hướng thiết kế các công trình theo kiến trúc hiện đại phương Tây với nhiều mảng kính lớn, bỏ qua tiêu chuẩn, điều kiện khí hậu ở Việt Nam. Những bất hợp lý trong việc thiết kế công trình, đặc biệt phần vỏ cách nhiệt kém, không tổ chức chiếu sáng, thông thoáng tự nhiên và phải gắn thiết bị điện đã làm thất thoát từ 20% - 25% nguồn năng lượng.
Số lượng các tòa nhà đạt tiêu chuẩn TKNL hiện chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Với thực tế đó, cần phải có nhiều hoạt động hơn nữa để khuyến khích xây dựng những “tòa nhà xanh” nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và hiệu quả kinh tế.
Nhiều giải pháp
Theo các nhà khoa học tại Viện KH-CN Xây dựng, có nhiều giải pháp để thực hiện việc TKNL trong tòa nhà như giải pháp quy hoạch, giải pháp môi trường sinh thái, giải pháp kiến trúc và giải pháp kỹ thuật, trong đó giải pháp kỹ thuật với các hệ thống thiết bị công nghệ TKNL đóng vai trò quan trọng. Việc áp dụng hệ thống thiết bị thông minh nhằm kiểm soát tối đa mức năng lượng tiêu thụ cũng đang được nghiên cứu và áp dụng rộng rãi.
Một trong những biện pháp hiệu quả TKNL trong các tòa nhà là trang bị các thiết bị hiện đại, hệ thống điều khiển tự động như hệ thống điều hòa không khí, hệ thống bơm có sử dụng biến tần, chiếu sáng hiệu suất cao, hệ thống cấp nước nóng mặt trời, hệ thống điều khiển giám sát tự động BMS...
Trong đó, việc sử dụng hệ thống điều hòa không khí, thông gió và sưởi ấm (HVAC) hiệu suất cao cùng với các công nghệ chiếu sáng hiện đại đang được xem như một trong những cách tốt nhất để tiết giảm năng lượng.
Ông Huỳnh Quốc Huy, Trưởng Phòng Năng lượng mới của ECC-HCMC, cho biết hệ thống TKNL BEMS với tính năng tự động điều khiển, vận hành, theo dõi giám sát toàn bộ hoạt động tiêu thụ năng lượng trong tòa nhà, cho phép nâng cao hiệu suất và tối ưu hóa sử dụng năng lượng.
BEMS tự động giám sát theo dõi và trích xuất báo cáo hằng tháng về tình hình tiêu thụ năng lượng của các thiết bị trong tòa nhà, giúp xác định được chính xác nguyên nhân gây tiêu tốn năng lượng, từ đó tìm cách khắc phục. Tại khách sạn Legend ở TPHCM, việc lắp BEMS đã giúp tiết kiệm 10% đến 15% tổng mức năng lượng tiêu thụ.
Ông Huỳnh Kim Tước cho biết: “Nhận thức được tầm quan trọng của những lợi ích mà công trình xanh mang lại, ECC-HCMC thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn, các buổi hội thảo chuyên đề, những cuộc thi liên quan đến chủ đề này... ECC-HCMC đã tư vấn nhiều giải pháp cho các đơn vị để giúp sử dụng hiệu quả và TKNL”.
Theo ECC-HCMC, vào năm 2013, có 30 tòa nhà, khách sạn tại Việt Nam sẽ được chính phủ Nhật Bản cùng Công ty Viet ESCO (thuộc ECC-HCMC) chọn lựa để hỗ trợ tài chính đầu cho việc TKNL.
Không cấp phép xây dựng nếu không đủ điều kiện TKNL
Mặc dù đã có chỉ đạo của Chính phủ từ năm 2003 nhưng cho tới nay, Việt Nam chưa có hệ thống văn bản đồng bộ tạo hành lang pháp lý cho việc áp dụng và kiểm soát hiệu quả năng lượng trong các công trình xây dựng. Vụ KH-CN và Môi trường - Bộ Xây dựng cho biết để các công trình xây dựng phải đạt được những điều kiện TKNL, đối với các công trình xây mới, trong quá trình xin cấp phép xây dựng, nếu cơ quan cấp phép xây dựng phát hiện các công trình không đáp ứng được các điều kiện về TKNL thì sẽ không cấp phép. Trong trường hợp các chủ đầu tư cố tình xây dựng thì công trình đó sẽ bị kiểm tra và xử lý theo Nghị định 73/2011/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Mức xử phạt cao nhất là 100 triệu đồng. Sau năm 2015, các chế tài xử phạt dự kiến sẽ còn cao hơn nữa.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động