Tốc độ phát triển đô thị của TP.HCM trong những năm qua lên đến chóng mặt. Trong khi đó, diện tích mảng xanh của thành phố bị “teo” dần. Sự cân bằng tự nhiên đang bị phá vỡ, khiến thành phố đang biến thành một “quả cầu lửa” nung nóng người dân.
Trong những ngày qua, nền nhiệt độ của TP.HCM liên tục tăng cao. Nhiều lúc nhiệt độ lên đến 38-39 độ C khiến người dân nhiều khu vực chạy trốn nắng nóng.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, đây mới chỉ là thời điểm bắt đầu của mùa nắng nóng. TP.HCM sẽ có thể đạt lên đỉnh điểm 40 độ C trong khoảng 1 tháng tới. Tức cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2010.
Theo các chuyên gia, TP.HCM đang có nền nhiệt độ nóng lên từng ngày và sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Một trong những nguyên nhân khiến nhiệt độ tăng cao được xác định là do mảng xanh của TP.HCM đang bị “teo” so với tốc độ phát triển đô thị.
Đường vắng bóng cây
Hiện nay ở nội ô TP.HCM không hiếm gặp những con đường không bóng cây hoặc có cũng chỉ vài cây nhỏ thưa thớt cách nhau hàng chục và thậm chí hàng trăm mét. Nỗi bật nhất ở các tuyến đường này có thể kể đến như đường Nguyễn Hữu Cảnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Điện Biên Phủ, Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh)… Trên các tuyến đường này, nhiều đoạn không có cây xanh. Nếu có cũng như “cây cảnh” cằn cỗi, lá úa thưa thớt...
Diện tích phủ xanh ở nhiều tuyến đường thành phố rất hạn chế, cộng thêm tốc độ đô thị hóa chóng mặt khiến thành phố như một "quả cầu lửa". Ảnh: Tử Trực |
Còn đối với các khu vực ngoại thành TP.HCM, diện tích cây xanh trên các tuyến đường lại càng “nghèo” hơn rất nhiều. Ở nhiều đoạn đường như Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức), Cộng hòa (Q. Tân Bình), trên Quốc lộ, xa lộ… mật độ cây xanh nhiều nơi rất thấp.
Theo tổng hợp của Phòng quản lý cây xanh, thuộc Sở GTVT TP.HCM, tính đến cuối tháng 12/2009 hiện thành phố đã có gần 13.000m2 đất phủ cây xanh ở các khu vực công trình vùng ngoại ô như cầu vượt Tân Thới Hiệp, An Sương và một số nơi khác của Q.12, Q.7…
Trong khi đó, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này nhận định, đây là con số quá hạn chế so với diện tích và số dân của TP.HCM và chỉ đạt một phần rất nhỏ về mật độ cây xanh/người so với thế giới.
Để khắc phục tình trạng này, Sở GTVT cũng đang tiến hành thực hiện giải pháp “vườn trong thành phố”. Tức phủ hoa, cỏ trên các vỉa hè thiếu cây xanh. Và hiện theo Phòng quản lý cây xanh cho biết, đã tiến hành phủ hoa cỏ được 28.000m2 ở các quận 1, 3, 5, 10... Đồng thời, từ nay đến năm 2025, Sở GTVT sẽ tận dụng tối đa không gian đô thị để phát triển diện tích cây xanh theo hướng có đường có cây, tiếp tục trồng cây xanh ở những đoạn đường chưa có.
Công trình mọc lên, cây xanh "ngã" xuống
Theo tiêu chuẩn năm 2006 của Bộ xây dựng, đô thị đặc biệt có quy mô từ 1,5 triệu dân trở lên, bình quân diện tích cây xanh phải đạt từ 12-15 m2/người.
Để đạt chỉ tiêu này, TP.HCM đã đề ra phương án đến năm 2010 sẽ đạt 6-7m2/người, đến 2020 là 20-25m2/người. Tuy nhiên, con số này hiện nay chỉ đạt khoảng gần 1m2/người. Theo Sở GTVT, công tác phát triển mảng xanh của TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn. Bởi thực tế, quỹ đất trong các quận nội thành để dành xây công viên thì không còn.
Mảng xanh của thành phố đang có chiều hướng "teo" dần do tốc độ phát triển đô thị. Ảnh: Tử Trực |
Trong khi đó, các khu vực ngoài trung tâm, quỹ đất dành cho vườn hoa, khu công viên lại không được quan tâm đúng mức. Đồng thời, tốc độ phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng lại tăng lên chóng mặt trong những năm qua đã khiến mật độ phủ xanh bị giảm xuống đáng kể.
So với các thành phố lớn trên thế giới, tỉ lệ cây xanh trên đầu người ở TP.HCM quá thấp. Tại TP.HCM chỉ 1m2/người thì bình quân diện tích cây xanh ở Berlin (Đức) là 50 m²/người; ở Paris (Pháp) là 25 m²/người; ở Moscow (Nga) là 44 m²/người hay ở London (Anh) là 9 m2/người.
Mảng xanh ở TP.HCM còn có nguy cơ bị “teo” dần do các hạng mục dự án công trình. Thậm chí các công viên cũng bị "xẻ thịt" khiến cho chỉ tiêu tăng mảng xanh lên 6-7m2/người của thành phố rất khó thực hiện được.
Chưa hết, rất nhiều nơi ở quận huyện vì lợi ích kinh tế, “tất đất tất vàng” nên nhà đầu tư chỉ muốn tăng tối đa diện tích xây dựng lên càng nhiều càng tốt để kiếm lời. Vì vậy làm cho diện tích trồng cây xanh giảm xuống, hoặc bị chặt bỏ khá nhiều.
Theo kết quả nghiên cứa của Tiến Sĩ Trần Viết Mỹ, Giám đốc trung tâm khuyến nông TP.HCM, giả sử năm 2010 các quận nội thành của TP.HCM có 3 triệu dân thì mỗi năm phải thải ra 1.051.200 tấn khí CO2 và hứng chịu 2.500 tấn bụi các loại, 160.424 tấn khí độc. Để hấp thụ toàn bộ các loại khí độc trên, bình quân mỗi người dân sống ở đây phải có 25m2 diện tích mảng xanh.
Trong khi đó, diện tích hiện nay của TP.HCM chưa đầy 1m2/người. Vì vậy nguy cơ người dân mắc bệnh do khí thải, khí bụi không thể tránh khỏi.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet