Phương thức chưa linh hoạt

Cập nhật 22/03/2010 15:45

Đây cũng chính là nguyên nhân khiến đa số các ngôi nhà nằm trong diện hỗ trợ bị hư hỏng, xuống cấp nhanh ngay sau khi đưa vào sử dụng.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã đưa ra nhận xét trên khi đề cập đến tương lai của hỗ trợ nhà ở cho người nghèo.

Nhiều nhà hỏng nhanh!

Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo được đẩy mạnh và nhanh kể từ khi Chính phủ ban hành Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn. Theo Quyết định này, ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương là 5 triệu đồng/hộ, các địa phương có trách nhiệm bố trí vốn đối ứng không dưới 20%, đồng thời huy động sự giúp đỡ của cộng đồng để xây dựng nhà ở cho hộ nghèo.

Tính đến nay, cả nước có 497.231 hộ thuộc diện cần hỗ trợ nhà ở. Trong đó, hộ dân tộc thiểu số là 226.934 hộ; hộ thuộc 62 huyện nghèo là 77.311 hộ. Đến hết tháng 2/2010 các địa phương đã xây dựng xong 134.808 căn nhà. Diện tích bình quân mỗi căn hộ từ 28-40 m². Nhiều căn nhà có diện tích rộng 50- 60 m². Giá thành khoảng 20-25 triệu đồng/căn. Cá biệt có căn nhà tới 50- 60 triệu đồng.


Các chung cư mới có cảnh quan, kiến trúc, công năng sử dụng hợp lý. (Ảnh: Chí Cường)

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân thì cơ chế, chính sách còn có những vấn đề bất cập như: đối tượng được hỗ trợ còn hạn chế, mức hỗ trợ còn thấp, phương thức hỗ trợ thiếu linh hoạt (đa số nhà ở được hỗ trợ xây dựng dùng vật liệu bằng tấm lợp, bằng xi măng...). Do đó, chưa thể giải quyết dứt điểm vấn đề nhà ở cho hộ nghèo. Đa số các căn nhà đã bị xuống cấp, hư hỏng chỉ sau một thời gian ngắn được sửa chữa, xây dựng.

Mâu thuẫn lợi ích ở chung cư!

Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, nước ta hiện có khoảng 350.000 căn hộ chung cư đang sử dụng, gần 70% là các căn hộ chung cư cũ (trong đó có trên 3triệu m2 nhà chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp được xây dựng trước năm 1980 cần được cải tạo, xây dựng lại).

Hầu hết các căn hộ chung cư cũ đều được xây dựng theo tiêu chuẩn thiết kế lạc hậu, chật hẹp, hiện nay đã bị hư hỏng, xuống cấp. Khoảng 30% còn lại là căn hộ chung cư mới đều có cảnh quan, kiến trúc tương đối đẹp, quy mô căn hộ rộng rãi, công năng sử dụng hợp lý.

Sử dụng chung cư sẽ giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân, nhất là ở một nước đông dân và đất đai chật hẹp như nước ta. Song, việc quản lý sử dụng nhà chung cư thường nảy sinh tranh chấp về sở hữu (phần sở hữu chung và sở hữu riêng); những thắc mắc, khiếu kiện liên quan đến quan hệ dân sự, đặc biệt là về chi phí dịch vụ quản lý nhà chung cư (phí an ninh trật tự, thu gom rác, bảo trì nhà chung cư, trông giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô...); tình trạng sử dụng các căn hộ chung cư trái mục đích thiết kế (không dùng để ở mà chuyển sang sử dụng làm cơ sở sản xuất, kinh doanh và văn phòng...).

Bộ Xây dựng cho rằng việc quản lý chung cư là mới, liên quan đến trách nhiệm và lợi ích của nhiều chủ thể; phạm vi quản lý tương đối rộng (bao gồm các khía cạnh khác nhau, như: vấn đề quản lý chất lượng công trình, quản lý về giá dịch vụ, quản lý về khai thác, sử dụng...).

Trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc và xử lý vi phạm liên quan đến công tác quản lý sử dụng nhà chung cư, nhằm từng bước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các khu chung cư trên cả nước.

DiaOcOnline.vn - Theo Gia Đình