Mặc dù thừa nhận rằng, quá trình tiếp cận đất đai và thủ tục hành chính về đầu tư ở đâu cũng phức tạp và không bao giờ đơn giản, nhưng ông Steve Butler, chuyên gia của Công ty Tài chính quốc tế (IFC), vẫn không khỏi ngạc nhiên vì những rườm rà, rắc rối mà các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang gặp phải trong quá trình thực hiện dự án của mình.
"Có quá nhiều quy trình, hồ sơ nhiều khi phải quay vòng giữa các cấp, ngành khác nhau. Bất cứ ai nhìn vào sơ đồ các quy trình mà DN phải thực hiện, đều thấy là có nhiều thủ tục không cần thiết có thể loại bỏ", ông Steve Butler nhận xét sau khi đọc Báo cáo rà soát thủ tục hành chính về đầu tư và tiếp cận đất đai của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), do Công ty Tư vấn quản lý MCG thực hiện trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa IFC và hai tỉnh Bắc Ninh và Thừa Thiên Huế, về đơn giản hóa thủ tục đầu tư và tăng cường khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp.
Các báo cáo này cho thấy, nếu như ở tỉnh Bắc Ninh, các DNNVV phải trải qua 8 quy trình mới có thể hoàn tất quá trình đầu tư và tiếp cận đất đai, thì ở Thừa Thiên Huế, con số này là 10.
Tuy không phải tất cả các DN đều phải trải qua đầy đủ các quy trình này, song chuyện chạy đi chạy lại giữa các cơ quan chức năng như sở kế hoạch và đầu tư, sở tài nguyên và môi trường, sở tài chính… là có thật và rất mất thì giờ, mà nhiều khi, để có thể giải quyết nhanh chóng, DN buộc phải chi các khoản "bôi trơn".
Ở Bắc Ninh, thứ tự thực hiện các quy trình tiếp cận đất đai và đầu tư là xin khảo sát địa điểm, xin cấp chứng chỉ quy hoạch, xin đánh giá tác động môi trường, xin giấy chứng nhận đầu tư, xin giao/thuê đất, xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xin cấp giấy phép xây dựng.
Kết thúc 8 quy trình, DN phải chuẩn bị 49 loại hồ sơ (gồm cả các loại hồ sơ trùng lặp giữa các quy trình) để nộp cho các cơ quan nhà nước. Ở Thừa Thiên Huế, còn phải thêm quy trình chấp thuận chủ trương nghiên cứu dự án và giấy phép khai thác khoáng sản. Ở mỗi quy trình, lại có những phức tạp riêng.
Ở quy trình xin khảo sát địa điểm, 23% DN ở Bắc Ninh được hỏi cho là rất phức tạp. Họ phải mất rất nhiều thời gian để hoàn thành nhiều bước khác nhau để có thể được quyết định cho phép khảo sát địa điểm từ UBND xã, huyện, sau đó là sở xây dựng và cuối cùng là UBND tỉnh.
Hơn thế, các nhà đầu tư cũng đều than phiền rằng, thi thoảng họ còn phải chờ kế hoạch quy hoạch đất đai của tỉnh và có khi bị đối xử bất bình đẳng vì những chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài.
Một DN tại Bắc Ninh thậm chí còn cho hay, DN của họ và một công ty nước ngoài cùng nộp đơn xin giao đất trong cùng thời gian, nhưng trong khi họ phải mất 1 năm mới hoàn thành toàn bộ các thủ tục, thì nhà đầu tư nước ngoài chỉ mất 5 tháng.
Ở Thừa Thiên Huế, có tới 73% DN được hỏi cho là quy trình xin giao thuê đất là phức tạp nhất. Theo các DN, họ gặp rất nhiều khó khăn khi làm việc với các chủ đất và cán bộ xã trong việc thống kê tài sản trên tất cả các mảnh đất nhỏ và mùa màng, cây cối.
Thậm chí, ngay cả khi danh sách tài sản đã được thống kê, cán bộ xã vẫn cố tình gặng hỏi về từng chi tiết nhỏ trong bản danh sách. Do vậy, đây là bước tiêu tốn rất nhiều thời gian của DN.
Trên một khía cạnh khác, việc phải tiếp xúc với quá nhiều hội đồng thẩm định trong suốt quá trình làm thủ tục cũng khiến DN mệt mỏi. Cả hai cuộc khảo sát đều chỉ ra rằng, các cơ quan quản lý nhà nước độc lập thường kiểm tra hồ sơ bằng việc thành lập các hội đồng thẩm định.
Trong 8 quy trình ở Bắc Ninh, DN phải tham dự buổi họp với 4 hội đồng thẩm định. Không chỉ e ngại về tính thống nhất trong đánh giá của các thành viên hội đồng thẩm định, khiến cho cuộc họp có thể phải tổ chức lại, đến khi tìm được sự thống nhất, mà việc các thành viên có lịch làm việc khác nhau, cũng có thể khiến mất rất nhiều thời gian để có thể sắp xếp một cuộc họp có thời gian phù hợp.
Câu hỏi được đặt ra là, liệu các cơ quan nhà nước có thể phối hợp tổ chức các cuộc họp thẩm định để tiết kiệm thời gian và công sức cho cả hai bên? Để làm được điều này, thì chỉ có thể hy vọng ở cơ chế phối hợp liên ngành.
Song xưa nay, việc phối hợp liên ngành là rất hạn chế, kể cả khi ở các sở, ngành chức năng đều có các bộ phận "một cửa". Đề xuất về việc hình thành bộ phận một cửa tại UBND tỉnh đã được đưa ra, nhưng có lẽ, trước khi tới được điều này, thì cũng cần tính tới việc tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho DN, cũng như đơn giản hơn nữa các quy trình, thủ tục.
Phần đông các DN ở cả hai tỉnh được hỏi đều cho rằng, họ không hề biết tất cả các quy trình cần thiết để được xin giao thuê đất phục vụ mục đích đầu tư.
Họ thậm chí còn rất ngạc nhiên khi được yêu cầu nộp đơn cho một quy trình sau một quy trình khác, mà không biết về những yêu cầu trước đó. Và họ thắc mắc là, liệu có một văn bản hướng dẫn nào về vấn đề này không? Nhưng thật tiếc là phần lớn DN chỉ nhận được những hướng dẫn bằng miệng hơn là văn bản.
"Chúng ta không có những quy định rõ ràng về hồ sơ cần có những loại gì, tiêu chí, tiêu chuẩn như thế nào, nên áp dụng tuỳ tiện. Nhiều khi, chỉ người thụ lý hồ sơ mới quyết định được là đúng hay sai. Chính vì vậy, cần phải xác định được mục tiêu ở thủ tục này là gì, hồ sơ cần những loại gì, cần ai xác nhận, thì mới biết chính xác là đúng hay sai. Nếu làm được vậy sẽ giảm được nhiều hồ sơ không cần thiết, tránh sự trùng lặp", ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) khẳng định.
Theo Đầu Tư